Đắk Lắk siết chặt quản lý đất đai: Ngăn “sốt” ảo
Đất đai - Ngày đăng : 06:45, 15/03/2022
“Cò đất” thổi giá
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cư MGar Nguyễn Công Văn, tại một số xã: Cuôr Đăng, Cư Suê, Ea Drơng, Ea Pốk, Ea Mnang giá đất đã tăng cao nhiều lần, trong đó có nhiều khu vực, giá đất đã tăng vọt hàng chục lần so với năm trước. Điển hình, có một số tuyến đường liên xã năm trước dao động từ 15 - 25 triệu đồng/m ngang, dài khoảng 50m thì nay đã lên đến gần 100 triệu đồng. Thực tế, phần lớn chủ đất đều không thể bán hoặc thu về với giá cao như thế, đa phần quỹ đất này đều do các “cò đất” tự đẩy giá để tạo cơn “sốt” sau khi đa thu gom được lượng quỹ đất tương đối lớn.
Tương tự, theo ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), hiện tượng “sốt” đất tại TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian gần đây là do “cò đất” thỏa thuận với nhau đẩy giá đất lên cao. Từ đó, các đối tượng "cò đất" lôi kéo người dân vào tham gia mua bán. Vì vậy, ông Hưng khuyến cáo người dân phải hết sức cảnh giác, không nên nghe theo “cò đất” đổ xô mua bán đất. Khi đất được đẩy giá lên cao thì người dân mua sau là người thiệt thòi nhất. “Thực tế, hiện thành phố vẫn đang tổ chức bán đấu giá đất ở rất nhiều khu vực, dự án được Nhà nước quy hoạch bài bản, đầy đủ nên người dân yên tâm về nhu cầu đất ở” - ông Hưng cho hay.
Một nhà đầu tư BĐS lớn ở Đắk Lắk chia sẻ, thị trường BĐS tại Đắk Lắk hiện đang rất sôi động. Tuy vậy, người dân phải hết sức cân nhắc bởi những lô đất bị thổi giá lên quá cao, người mua sẽ không mua được với giá thực của thị trường dẫn đến các hoạt động về vốn, thanh khoản bị đứng hoàn toàn. “Giá đất ở TP. Buôn Ma Thuột chỉ “sốt" từ thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, rủi ro với các nhà đầu tư là rất lớn, đặc biệt là những lô bán sang tay quá nhiều lần" - vị này nói thêm.
Giải pháp ngăn chặn
Để ngăn chặn tình trạng đất “sốt ảo” và kiểm soát thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh, sau Tết Nguyên đán 2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về xây dựng. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành Công văn số 761 về tăng cường công tác quản lý thị trường BĐS. Cụ thể, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, sở, ngành liên quan và UBND các huyện thị xã, thành phố kiểm tra các dự án kinh doanh BĐS chậm triển khai, để đất hoang hóa, năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư yếu kém để điều chỉnh tiến độ thực hiện theo quy định, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng dự án phù hợp với nhu cầu thị trường.
Các đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, dịch vụ BĐS (môi giới, tư vấn, hoạt động sàn giao dịch BĐS...) trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện đối với trường hợp có biểu hiện bất thường, vi phạm quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất để xử lý theo thẩm quyền. Các sở, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành không để xảy ra tình trạng trục lợi và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá nhằm lũng đoạn thị trường.
“Nhằm chấm dứt tình trạng tự ý mở đường, phân lô, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 07 ngày 21/1/2022 quy định về tách thửa, hợp thửa, diện tích, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất. Năm 2022, Sở TN&MT sẽ tập trung thanh tra việc quản lý Nhà nước về đất đai ở cấp xã; chú trọng nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trong việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai”.
Ông Trần Đình Nhuận - Giám đốc Sở TN&MT Đắk Lắk
UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, đơn vị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp và đánh giá cụ thể các trường hợp có kết quả đấu giá đất cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở gây ảnh hưởng đến thị trường và phải xử lý nghiêm trường hợp môi giới, mua bán BĐS, dự án BĐS, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý..., vi phạm pháp luật về xây dựng, đất đai.