Nhiều giải pháp để ứng phó với hạn hán ở các tỉnh miền Trung: Phải chủ động chống hạn khi có nguy cơ

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:45, 15/03/2022

(TN&MT) - Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung bộ, tình hình khô hạn năm 2022 sẽ không gay gắt như mọi năm nhưng vẫn xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Các địa phương cần chủ động theo dõi, xây dựng phương án ứng phó khô hạn để hạn chế thiệt hại cho người dân.

Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Phùng Bảo - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ (Tổng cục KTTV - Bộ TN&MT):

PV: Thưa ông, dự báo tình hình khô hạn và mưa lũ tại khu vực miền Trung trong năm 2022 sẽ diễn biến như thế nào?

Ông Đinh Phùng Bảo:

Theo dự báo hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì trong trạng thái La Nina đến hết mùa Xuân 2022 với xác suất khoảng 65 - 75%, sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng tăng dần và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng thời kỳ từ tháng 5 - 7/2022 với xác suất khoảng 50 - 60%.

Xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông phù hợp với quy luật khí hậu; số lượng XTNĐ trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (TBNN). Từ tháng 6 đến tháng 8, XTNĐ sẽ tập trung ở khu vực bắc và giữa Biển Đông và ít có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ; vào thời kỳ từ tháng 9 đến tháng 11, sẽ tập trung ở khu vực giữa và nam Biển Đông và ảnh hưởng nhiều đến khu vực Trung Bộ.

anh-1-ong-dinh-phung-bao.jpg
ông Đinh Phùng Bảo - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ (Tổng cục KTTV - Bộ TN&MT)

Tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2022 có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn TBNN; trong 6 tháng cuối năm 2022 lượng mưa có xu hướng gia tăng, đặc biệt mưa nhiều hơn so với TBNN ở Bắc Trung Bộ vào tháng 7 - 9/2022 và từ tháng 9 -11/2022 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Lũ trên các sông khu vực Trung Trung Bộ khả năng xuất hiện vào đầu tháng 9 và kết thúc vào giữa tháng 12. Lũ lớn nhất xuất hiện vào tháng 10, tháng 11, đỉnh lũ trên các sông có khả năng ở mức xấp xỉ và cao hơn so với TBNN.

Dự báo đến cuối tháng 3/2022, dung tích trữ các hồ chứa trung bình đạt từ 60 - 72% dung tích thiết kế. Với tình hình nguồn nước như vậy, vụ Đông Xuân 2021 - 2022, cơ bản đủ nước đảm bảo sản xuất, tuy nhiên một số khu vực vẫn có khả năng khó khăn về nguồn nước, thiếu nước cục bộ, hạn nhẹ.

Từ nay đến tháng 08/2022, dòng chảy trên các sông chủ yếu biến đổi chậm. Riêng tháng 5 và nửa cuối tháng 8 dòng chảy trên một số sông có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt dao động. So với TBNN cùng kỳ, nguồn nước trên hầu hết các sông ở mức xấp xỉ cao hơn, riêng sông Bến Hải, sông Vu Gia và Sông Vệ có khả năng thiếu hụt từ 60 - 90% so       với TBNN.

PV: Thưa ông, như vậy so với các năm gần đây, tình hình khô hạn trong năm 2022 có gì khác biệt?

Ông Đinh Phùng Bảo:

Năm 2022, tình hình khô hạn, thiếu nước được nhận định không gay gắt như năm 2021. Tuy nhiên, cục bộ trên một số lưu vực sông vẫn có khả năng xảy ra như lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, đặc biệt là vào thời kỳ cuối mùa khô.

Mặn xâm nhập vào sâu trong trong ngay từ đầu tháng 03/2022. Độ mặn lớn nhất trên các sông có khả năng ở mức xấp xỉ, cao hơn so với TBNN. Tính hình hạn hán, thiếu nước có khả năng xảy ra cục bộ trên một số sông, đặc biệt là sông Vu Gia - Thu Bồn, Sông Vệ và sông Bến Hải.

Các địa phương cần tận dụng các nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, sông, suối để cung cấp cho sản xuất; có kế hoạch, lịch sử dụng nguồn nước để tận dụng tối đa nguồn nước từ các hồ chứa thuỷ điện. Thường xuyên theo dõi thời tiết thuỷ văn để chủ động thực hiện các kế hoạch khai thác nước phù hợp, giảm thiểu các thiệt hại khi nguồn nước bị thiếu hụt.

anh-6.jpg

Công tác tưới tiêu cần được đảm bảo trong mùa hạn

PV: Với tình hình khô hạn đã được dự báo, ông có khuyến cáo gì đối với các địa phương và người dân nhằm chủ động ứng phó giảm nhẹ thiệt hại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp?

Ông Đinh Phùng Bảo: Trước bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, để chủ động ứng phó trước tình hình khô hạn các địa phương và người dân cần tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn để xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp, tiết kiệm.

Đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho sản xuất và dân sinh; bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ để tận dụng nguồn nước. Chủ động triển khai thực hiện sớm các giải pháp ứng phó theo kế hoạch ngay khi phát hiện nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Trong điều kiện có nguy cơ về hạn hán thiếu nước, ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, bên cạnh các thực hiện các giải pháp phòng chống của địa phương, đề nghị người dân cùng chung tay giữ gìn vệ sinh nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)