Bình Định: Công ty Thuận Đức 4 khai thác đá trên diện tích đã phục hồi môi trường

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 14:18, 14/03/2022

Thời gian gần đây, nhiều người dân phản ánh có tình trạng khai thác đá trên khu vực núi Bằng Tranh, xã An Hòa, huyện An Lão mà trước đây Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 đã hoàn thành hồ sơ đóng cửa mỏ đá và trồng cây phục hồi môi trường trong diện tích 9,73ha từ năm 2013.

Lịch sử mỏ đá đã đóng cửa

Sự việc này phải kể từ câu chuyện của bà Trần Thị Sen ở thôn Xuân Phong Nam – xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Bà trồng cây keo nguyên liệu giấy từ năm 2009 đến năm 2014 bà khai thác thì bị UBND xã An Hòa ngăn cản không cho khai thác. Tuy nhiên, việc ngăn cản không đọc lệnh, không lập biên bản và chính quyền đưa ra lý do đây là cây keo của Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 trồng khắc phục lại môi trường sau khi hoàn thành hồ sơ đóng cửa mỏ đá và trồng cây phục hồi môi trường trong diện tích 9,73 ha từ năm 2013 được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác khoáng sản số 25 ngày 09/3/2010 tại núi Bằng Tranh.

dsc01137.jpg
 Hiện trường khu vực khai thác mỏ đá 9,73ha tại núi Bằng Tranh mà Công ty Thuận Đức 4 khai thác trước đây có dấu vết đang khai thác đá mới 

Mặc dù, Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 đã trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản số 25 ngày 09/3/2010; năm 2024, UBND tỉnh Bình Định ra Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng tại núi Bằng Tranh đã cấp cho Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 trên diện tích 9,73 ha; đồng thời Phòng TN&MT huyện An Lão cùng UBND xã An Hòa và Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 đã lập biên bản bàn giao đất sau khi khai thác khoáng sản cho địa phương quản lý; riêng Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 phải tiến hành hoàn thổ, trồng cây xanh sau khai thác. Thế nhưng, từ đó đến nay, theo người dân phản ánh thì Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 vẫn tiếp tục khai thác đá đến nay.

dsc01066.jpg
 Không thấy trồng cây xanh phục hồi môi trường chỉ thấy đá với đá là những lớp đá mới khai thác 

Do gia đình bà Trần Thị Sen trồng keo và khai thác keo trên diện tích 9,73 ha trên núi Bằng Tranh tại vị trí mỏ đá trước đây của Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 nên ngày 9/3/2022 bà đến Ban tiếp công dân huyện An Lão phản ánh Công ty hiện đang khai thác đá granite nằm trong diện tích 9,73 ha đã trồng cây phục hồi môi trường không cơ quan nào ngăn cản, trong khi bà khai thác keo do bà trồng thì chính quyền địa phương xã An Hòa ngăn cản không cho bà khai thác và bắt giữ xe keo và lập hồ sơ chuyển Công an xã xử lý...

dsc01090.jpg
 Bà Trần Thị Sen ấm ức kể chuyện bị bắt phương tiện và cây keo

Quá bức xúc sự việc trên, bà Trần Thị Sen không chỉ báo cáo với Ban tiếp công dân huyện An Lão mà phản ánh đến Báo Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan báo chí khác.

Khai thác đá trở lại sau khi đóng mỏ

Theo chiếc xe loại Chiến Thắng, chúng tôi vượt dốc núi Bằng Tranh, thuộc tiểu khu 34, xã An Hòa lên khu vực đang khai thác đá trong diện tích 9,73 ha mà Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 đã khai thác trước kia.

dsc01078.jpg
 Xe máy múc và phương tiện máy nổ trên mỏ đá 

Hiện trường cho thấy có dấu vết khai thác đá mới, một chiếc xe máy múc nằm tại mỏ và các xe múc khác nằm cất giấu trong các bụi cây lẫn khuất trong khe núi, phương tiện máy móc phục vụ việc khai thác đá vẫn ngổn ngang tại hiện trường. Trong ngôi chòi nhỏ có hai công nhân làm đá đang ăn ở sinh hoạt tại chỗ.

dsc01041.jpg
 Chiếc máy múc nằm tại mỏ đá 

Đây là một công trình khai thác đá với nhiều loại đá khối, đá chẻ nằm chồng lên nhau. Điều đặc biệt là hiện trường không thể hiện được việc trồng cây xanh phục hồi môi trường mà chỉ toàn đá với đá, những cây keo xung quanh khu vực khai thác chỉ tầm khoảng 3-5 năm tuổi và chiếc bảng thông báo giờ nổ mìn khai thác đá cắm dưới đất nhìn kỹ mới phát hiện ra.

dsc01064.jpg
 Khối đá mới khai thác lên 

Làm việc với phóng viên Báo TN&MT, ông Trần Nam Trung – Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa xác nhận đã kiểm tra hiện trường mỏ đá và làm việc với Công ty TNHH XD Thuận Đức 4: Tại hiện trường chúng tôi ghi nhận có 2 xe máy đào, 1 cái máy đào bị hư, có máy nổ, máy khoan đá và ước chừng có khoảng 20 khối đá granite. Tuy nhiên phía doanh nghiệp thì nói được cấp phép thăm dò khoáng sản lại trên diện tích đã trả mỏ trước đây. Công ty họ lấy đá mẫu xem có đảm bảo không. Chúng tôi yêu cầu đầu tuần sau, Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 phải mang toàn bộ hồ sơ được cấp phép thăm dò khai thác đá trên diện tích đã đóng mỏ để chúng tôi tiếp tục làm việc và báo cáo UBND huyện An Lão.

dsc01044.jpg
 Đá và phương tiện máy móc khai thác 

Trả lời thêm về trường hợp bà Trần Thị Sen thì ông Trần Nam Trung cho biết thêm: Bà Trần Thị Sen đã trồng và khai thác keo trên diện tích 9,73 ha núi Bằng Tranh do xã quản lý sau khi đóng cửa mỏ đá Công ty TNHH XD Thuận Đức 4. Tuy nhiên, bà vi phạm nhiều lần nên lần này UBND xã mới giữ phương tiện và tang vật cây keo để giao Công an xã xử lý...

dsc01105.jpg
 Ngôi nhà chòi nhỏ có hai công nhân làm đá ăn ở tại chỗ 

Trao đổi thêm với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm cho biết đã giao cho Phòng TN&MT huyện An Lão, Tổ công tác và UBND xã An Hòa kiểm tra lập biên bản hiện trường và mời đại diện Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 lên làm việc vào đầu tuần sau. Sau đó, UBND huyện sẽ có báo cáo gửi Sở TN&MT về việc Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 khai thác đá trên diện tích đã trả mỏ phục hồi môi trường.

dsc01018.jpg
 Đường lên núi Bằng Tranh đi lên mỏ đá rất khó đi, nguy hiểm 

Phóng viên được biết, ngoài vị trí mỏ đá 9,73 ha tại núi Bằng Tranh đã đóng mỏ phục hồi môi trường, giao cho UBND xã An Hòa quản lý thì Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 còn có mỏ đá khác có diện tích 18,64 ha tại núi Đá Mọc, xã An Hòa, huyện An Lão được UBND tỉnh Bình Định cấp phép số 51 ngày 15/6/2011, hiện mỏ đá này vẫn hoạt động bình thường.

Vậy không hiểu tại sao Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 lại được thăm dò khai thác đá trên diện tích đã đóng mỏ mà lại không thực hiện phục hồi môi trường trồng cây xanh và tiếp tục khai thác đá trong một thời gian dài gây bức xúc trong nhân dân địa phương?

dsc01141.jpg
 Bảng thông báo giờ nổ mìn cắm bên bệ đá 

Mỹ Bình