Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An): Hàng chục hộ dân tái định cư "dài cổ" chờ bìa đỏ

Tiếng dân - Ngày đăng : 21:59, 13/03/2022

Hàng chục hộ dân ở thị xã Hoàng Mai di dời để nhường đất xây dựng Nhà máy xi măng Hoàng Mai. Thế nhưng, cho đến nay các hộ dân này vẫn chưa thể "an cư" vì những rắc rối trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ). Sự việc dây dưa kéo dài hàng vài chục năm không được giải quyết khiến người dân hết sức bức xúc.

Nhường đất cho nhà máy, người dân "thiệt đơn, thiệt kép"

Năm 1996, UBND tỉnh Nghệ An có chủ trương xây dựng Nhà máy xi măng Hoàng Mai thuộc Công ty xi măng Nghệ An (nay là Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Hoàng Mai) với công suất 1,4 triệu tấn xi măng/năm.

Thực hiện phương án xây dựng Nhà máy Xi măng Hoàng Mai, ngày 1/6/1996, UBND huyện Quỳnh Lưu (thời điểm đó xã Quỳnh Vinh thuộc huyện Quỳnh Lưu, từ năm 2013, xã Quỳnh Vinh mới thuộc địa giới thị xã Hoàng Mai sau khi thị xã này được thành lập-PV) có Tờ trình số 01 gửi UBND tỉnh Nghệ An xin đất ở cho 21 hộ dân trong diện di dời để tái định cư (TĐC) với nội dung, sau khi đã xác định vị trí, diện tích mặt bằng Nhà máy xi măng, Hội đồng đền bù huyện đã khảo sát có 21 hộ nhân dân phải di chuyển ra khỏi khu vực mặt bằng xây Nhà máy Xi măng Hoàng Mai.

Để đảm bảo đời sống cho nhân dân, nhanh chóng có nơi ăn chốn ở, đảm bảo tiến độ thi công công trình, UBND huyện Quỳnh Lưu kính đề nghị UBND tỉnh, Sở Địa chính tỉnh Nghệ An (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) phê duyệt kế hoạch đất ở cho 21 hộ dân nói trên thuộc xã Quỳnh Vinh với tổng diện tích 8.560 m2, thuộc loại đất 2 lúa. Diện tích trên sử dụng vào mục đích đất ở, đất vườn và đất chuyên dùng nội bộ”.

Sau khi có tờ trình của huyện Quỳnh Lưu, ngày 5/6/1996, UBND tỉnh Nghệ An ban hành văn bản Quyết định 1608/QĐ-UBND cho phép UBND huyện Quỳnh Lưu chọn địa điểm TĐC cho 21 hộ dân ở khu vực Đồng Trin, thuộc xóm 14 cũ (nay là xóm 8), xã Quỳnh Vinh để lấy đất xây dựng Nhà máy Xi măng Hoàng Mai.

3(1).jpg
Phương án trả tiền sử dụng đất từ năm 1996 đối với diện tích đất 4.360m2 mà Công ty xi măng Nghệ An phải có trách nhiệm chi trả

Thực hiện Quyết định 1608 của UBND tỉnh Nghệ An, ngày 10/6/1996, tại văn phòng UBND xã Quỳnh Vinh, Hội đồng đền bù và giải phóng mặt bằng huyện Quỳnh Lưu, đại diện Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Hoàng Mai và lãnh đạo UBND xã Quỳnh Vinh đã thống nhất phương án trả tiền sử dụng đất tại Đồng Trin là 87, 2 triệu đồng. Số tiền này do Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Hoàng Mai là chủ đầu tư công trình chịu trách nhiệm chi trả.

Ông Lê Thạc Tiến là một trong số 21 hộ dân phải di dời đến khu TĐC Đồng Trin cho biết, trước khi di dời, gia đình ông có hơn 4.000 m2 đất ở và đất vườn. Thế nhưng, khi xuống khu TĐC Đồng Trin, gia đình ông chỉ được bố trí 400 m2, nhưng không được bồi thường tiền đất chênh lệch. Không chỉ gia đình ông, nơi ở cũ nhiều gian đình vườn tược cũng rộng 3.000 - 4.500 m2 nhưng xuống nơi TĐC đều chỉ được bố trí mỗi gia đình 400 m2 và được hỗ trợ tiền di dời nhà và đền bù hoa màu trên đất nhưng cũng không đáng kể. Người dân đến nơi TĐC còn phải tự san lấp mặt bằng, góp tiền mua dây, cột để kéo điện về dùng.

Còn ông Trần Dương đại diện cho các hộ dân không dấu nổi sự bức xúc: “Sau nhiều năm sinh sống ổn định nơi TĐC, nhiều hộ dân có mới có nhu cầu làm bìa đỏ để làm nhà cho con, thế chấp vay vốn ngân hàng để kinh doanh. Nhưng khi họ làm thủ tục cấp bìa đỏ thì được cơ quan chức năng trả lời phải làm nghĩa vụ tài chính với nhà nước, tức là phải nộp tiền sử dụng đất ở thì mới được cấp bìa. Chúng tôi đã thiệt đủ đường khi đến TĐC, nghĩa vụ tài chính thì do Nhà máy Xi măng Hoàng Mai đã cam kết thực hiện từ hàng chục năm nay, giờ sao lại bắt chúng tôi phải đóng khoản tiền này?".

Cần phải có trách nhiệm với người dân

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, do trong hồ sơ xin cấp bìa đỏ của người dân không có hóa đơn nộp tiền sử dụng đất của 21 hộ dân TĐC mà Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Hoàng Mai đã thực hiện nên không có cơ sở để làm thủ tục cấp bìa đỏ cho các hộ dân. Sau đó, UBND thị xã Hoàng Mai đã tổ chức họp với các bên liên quan.

Ông Trần Dương cho biết, tại các cuộc họp, đại diện Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Hoàng Mai khẳng định đơn vị đã nộp tiền từ năm 1996 mới thu hồi đất và bố trí TĐC cho các hộ dân. Tuy nhiên, do không đưa ra được hồ sơ, hóa đơn thu tiền nên việc làm bìa đỏ vẫn bị kẹt lại.

Ông Vũ Lê Hùng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh cho biết, đại diện những hộ dân ở khu TĐC Đồng Trin đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, UBND xã Quỳnh Vinh mong muốn cấp trên cùng Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Hoàng Mai cùng phối hợp, xem xét giải quyết cho các hộ dân được cấp bìa đỏ để ổn định cuộc sống.

Theo 1 cán bộ của Nhà máy Xi măng VICEM Hoàng Mai cho biết, do thời gian đã lâu, những người phụ trách thời điểm đó nay đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác, trong khi những người kế nhiệm lại chưa nắm được đầy đủ sự việc. Thủ tục liên quan đến thực hiện nghĩa vụ tài chính cho diện tích đất TĐC hiện vẫn chưa tìm ra và phía Công ty cũng đang nỗ lực để phối hợp với chính quyền và các cơ quan liên quan để xử lý.

1(1).jpg
Hàng chục hộ dân bức xúc nói về những thiệt thòi khi nhường đất để thực hiện dự án Nhà máy xi măng Hoàng Mai

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hào, Trưởng phòng TN&MT thị xã Hoàng Mai cho biết, khu TĐC Đồng Trin hiện có 21 hộ dân ở nhưng khi làm hồ sơ để cấp bìa đỏ thì không có thủ tục để chứng minh các hộ dân đã thực hiện nghĩa vụ tài chính nên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Hoàng Mai không thể giải quyết được.

UBND thị xã Hoàng Mai đã có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Hoàng Mai phối hợp cung cấp hồ sơ, hóa đơn đã thực hiện nghĩa vụ tài chính cho các hộ dân TĐC nhưng Công ty vẫn chưa cung cấp được. Hiện tại, chỉ cần đủ thủ tục pháp lý về nghĩa vụ tài chính là các hộ dân sẽ được giải quyết vì sự việc càng kéo dài người dân càng bị thiệt thòi.

Qua sự việc trên có thể thấy rằng, những rắc rối mà 21 hộ dân đang gặp phải không xuất phát từ nguyên nhân lỗi của họ mà trách nhiệm là của Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Hoàng Mai và các cơ quan chức năng. Thế nhưng, việc tìm ra phương án tháo gỡ, giải quyết quyền lợi cho người dân thì gần như đang thiếu đi sự quan tâm của các bên liên quan khiến người dân không khỏi bức xúc.

Đình Tiệp - Thành Vinh