Thừa Thiên - Huế: Đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Kinh tế - Ngày đăng : 20:02, 12/03/2022

Một trong những dự án trọng điểm đang thi công trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay là cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Để khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, không khí thi công hết sức khẩn trương, hối hả...

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua Thừa Thiên - Huế có chiều dài 64,4 km. Đến nay, dự án cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho đơn vị thi công. Tỉnh đã tiến hành xây dựng 9 khu tái định cư và 1 khu nghĩa trang tổng diện tích 13,59 ha, đáp ứng tái định cư 191 hộ và di dời hơn 200 lăng mộ.

Thống kê của chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường HCM, dự án đã đạt hơn 75% tiến độ. Thời gian qua, các đơn vị triển khai dự án nỗ lực vượt qua rào cản, trở ngại về thời tiết mưa lũ kéo dài, dịch Covid-19 và khan hiếm vật liệu để đẩy khối lượng triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn một số gói thầu, nhà thầu thi công chậm tiến độ.

z3249500720222_5d2b96f3bed177af98a0ff7286549435.jpg

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang được thi công. Ảnh chụp ngày 11/3

Ghi nhận của PV, những ngày qua, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhịp điệu thi công các gói thầu XL5, 6, 7 (Km 46+200 - Km 69+00, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn) thêm khẩn trương.

Từng đoàn xe chở vật liệu đất đắp nối nhau ra vào. Dây chuyền san, ủi, lu lèn… đã được tăng cường thi công hối hả trước sự giám sát chặt chẽ của tư vấn giám sát, điều hành dự án. Tranh thủ thời tiết, điều kiện thuận lợi, hầu hết các đơn vị tăng ca, tăng kíp để bù phụ khối lượng còn chậm... Tiếng máy móc hoạt động liên hồi nên không khí tại công trường rất sôi động.

Để đảm bảo công tác thi công, vừa sản xuất vừa chống dịch, tất cả cán bộ, công nhân, lái máy trên công trường được phổ biến tuân thủ quy định 5K, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát trùng… và tiêm đủ 3 mũi vắc xin.

z3249500757196_0621bb0e728304512feaec5ed8f372ef.jpg

Các gói XL5,6,7 đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Ảnh chụp ngày 11/3

Các gói thầu XL5, 6, 7 thuộc quản lý của phòng điều hành dự án 2. Ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng điều hành dự án 2, Ban Quản lý dự án đường HCM cho hay, Ban cùng tư vấn giám sát đã đến từng lán trại, trụ sở của nhà thầu để phổ biến, hướng dẫn và yêu cầu thực hiện nghiêm quy định phòng dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ và ổn định nhân lực, thi công trên công trường.

“Ngay sau khi nghỉ Tết, chúng tôi đã chỉ đạo các nhà thầu huy động 100% quân số trở lại công trường thi công. Hai gói XL5, 6 đã được hơn 50% tiến độ. Để bù lại khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến nay, thời tiết mưa nhiều, dự án dừng, không thi công được phần nền đường; thời gian tới khi thời tiết ổn định, rất mong chính quyền địa phương, người dân trong khu vực dự án ủng hộ, chia sẻ tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công tăng ca vào ban đêm cũng như các phương tiện được lưu thông cung cấp vật liệu kịp thời đảm bảo tiến độ chung của dự án; các nhà thầu tiếp tục tăng cường sữa chữa đường sá, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...”, ông Hưng nói.

Tại các gói thầu, chủ đầu tư đã quán triệt đơn vị thi công đảm bảo an toàn các vị trí thi công gần đường giao thông có lưu lượng xe qua lại đông; đặc biệt là khu vực tuyến tránh TP. Huế.

z3243976522951_480e44d8a4c836f9c2f53dc40e36c72a.jpg

Tăng cường sửa chữa các đoạn đường mà xe chở đất đá phục vụ cao tốc đi qua

Được biết hiện nay, dự án chỉ còn vướng khoảng 200 m tại cây xăng Hưng Phát (xã Hương Thọ, TP. Huế) nằm trên tuyến thuộc gói thầu số 9 chậm di dời, làm ảnh hưởng việc thi công, chưa thể kết nối toàn tuyến.

Theo chủ đầu tư, ngoài những khó khăn khách quan thì cây xăng Hưng Phát là một trong những vướng mắc làm chậm tiến độ dự án, dù trước đó Ban quản lý dự án đã kiến nghị nhiều lần và mong chính quyền địa phương phối hợp giải quyết dứt điểm trong tháng 3/2022 để tạo thuận lợi cho các đơn vị thi công.

Về vấn đề cây xăng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Hoàng Hải Minh đề nghị UBND TP. Huế tập trung lực lượng, khẩn trương thực hiện thủ tục đền bù, thu hồi phần đất thuộc phạm vi phải thu hồi để thi công dự án.

“Công tác giải phóng mặt bằng hiện tại là còn chậm so với chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, đề nghị các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, phải thường xuyên kiểm tra thực tế chứ không nghe qua báo cáo; tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng còn lại theo đúng thời hạn cam kết...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các nhà thầu cần đảm bảo các yêu cầu về môi trường, hạn chế gây tác động ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, sinh hoạt và sản xuất của người dân, có phương án khắc phục, trả lại hiện trạng sau khi hoàn thành dự án. Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công thì địa phương và đơn vị thi công sớm có phương án khắc phục, bảo vệ an toàn cho người dân.

108416007_587822511879424_974965609769623022_o.jpg

Dự án đang được các bộ, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, đôn đốc tiến độ

Cũng theo Ban Quản lý dự án đường HCM, hiện hai gói thầu XL5 và XL6 có tiến độ chậm so mới mức bình quân chung sản lượng của dự án do hai gói thầu này là nền đắp hoàn toàn, lúc mới triển khai nguồn cung đất đắp cho dự án còn hạn chế. Đơn vị đã phối hợp với địa phương hoàn thiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu theo Nghị quyết số 60 và 133 của Chính phủ. Khối lượng đất đắp còn thiếu khoảng 370.000 m3 tại hai gói thầu, Ban cũng làm việc với địa phương để sớm cấp phép khai thác mỏ Động Đá trong tháng 3/2022 và phần mở rộng mỏ Hiền Sỹ.

“Dự kiến những ngày tới, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ họp thông qua thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sau đó địa phương sẽ có quyết định cấp phép cho nhà thầu khai thác đất tại hai mỏ. Với khối lượng còn lại không nhiều cộng với việc tăng ca của các nhà thầu, dự án sẽ được cán đích đúng theo tiến độ điều chỉnh...”, lãnh đạo chủ đầu tư thông tin.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Ban Quản lý dự án đường HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu Ban tập trung xử lý vướng mắc, đưa dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn cán đích trong giai đoạn cuối năm 2022. Cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ kết nối liên hoàn với cao tốc La Sơn - Túy Loan đã sẵn sàng thông xe, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang khai thác, tạo “trục động lực” xuyên miền Trung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và liên vùng.

Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa phận tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có chiều dài xây dựng 98,35km, điểm đầu tại Km 0 (Cam Lộ), trùng với Km 10+440 QL9, thuộc địa phận xã Cam Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị). Điểm cuối Km 102+200 (La Sơn), trùng với Km 4 Tỉnh lộ 14B, trùng với điểm đầu dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan (thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Dự án bao gồm 11 gói thầu xây lắp, được khởi công từ tháng 9/2019.

Văn Dinh