Thừa Thiên – Huế: Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 57,15%

Tài nguyên - Ngày đăng : 15:41, 11/03/2022

Tại Thừa Thiên – Huế, diện tích rừng đủ tiêu chí để tính toán tỷ lệ che phủ rừng là 282.741,77 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đang đạt 57,15%.

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành quyết định về việc công bố hiện trạng rừng của tỉnh năm 2021.

Theo đó, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 304.081,08 ha đất có rừng (bao gồm rừng tự nhiên 205.674,47 ha; rừng trồng có trữ lượng 77.067,30 ha; diện tích đã trồng chưa thành rừng là 21.339,31 ha). Diện tích rừng đủ tiêu chí để tính toán tỷ lệ che phủ rừng là 282.741,77ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 57,15%.

Theo quyết định, số liệu hiện trạng rừng năm 2021 là cơ sở để xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, theo dõi diễn biến rừng năm tiếp theo.

img_1420.jpg

Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đạt 57,15%

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP. Huế có trách nhiệm công khai và cung cấp thông tin hiện trạng rừng năm 2021 trên địa bàn; thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp; tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT có trách nhiệm quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu diễn biến rừng và cập nhật diễn biến rừng hàng năm trên địa bàn. Sở TN&MT cập nhật kết quả diễn biến rừng vào hồ sơ quản lý đất đai hàng năm của từng huyện, thị xã và tỉnh.

Trao đổi thêm với PV, ông Lê Ngọc Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế cho hay, thời gian tới, lực lượng kiểm lâm tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát các phương án phòng cháy chữa cháy rừng, chú trọng công tác tuyên truyền phòng ngừa, xây dựng chiến lược quản lý cháy rừng tại tỉnh, nghiên cứu đề xuất các phương tiện chữa cháy phù hợp với địa hình vùng rừng núi.

“Đối với công tác trồng rừng, trước mắt Chi cục Kiểm lâm rà soát các quy định của Nhà nước để xây dựng các quy trình áp dụng phù hợp với điều kiện của địa phương nhưng không trái với quy định chung. Rà soát kỹ để xác định quỹ đất trống có thể đưa vào trồng rừng tại các ban quản lý, công ty lâm nghiệp; tổ chức thực hiện và chỉ đạo có hiệu quả công tác trồng rừng từ khâu tư vấn thiết kế, thẩm định, chọn loài, phương thức trồng, biện pháp canh tác... đảm bảo trồng rừng phải thành rừng; tăng cường trách nhiệm của chủ rừng trong hoạt động trồng rừng; nghiên cứu thực hiện quy hoạch trồng rừng thay thế và xây dựng bộ hồ sơ dữ liệu về trồng rừng thay thế; chỉ đạo các chủ rừng có thể sản xuất giống cây bản địa để chủ động nguồn giống cho các mùa vụ trồng rừng từ năm 2022 trở về sau...”, ông Tuấn chia sẻ.

Văn Dinh