Tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh

Trong nước - Ngày đăng : 15:37, 11/03/2022

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020 - 2021 và Kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
1(1).jpg
Toàn cảnh Phiên họp

Trình bày Báo cáo Bổ sung, làm rõ một số nội dung về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66 của Quốc hội đến năm 2020 - 2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000. Theo Nghị quyết 66, đến năm 2020, hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Đến nay, đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 là đầu tư nối thông toàn tuyến theo quy mô 2 làn xe. Để thực hiện đầu tư nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 66, Chính phủ đề xuất cần tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần (gồm đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận) dài khoảng 171 km, với tổng mức đầu tư 10.770 tỷ đồng, trong đó ưu tiên đầu tư trước 2 dự án thành phần là đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, dài 83,5km, với tổng mức đầu tư 5.570 tỷ đồng.

2(3).jpg
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm báo cáo tại Phiên họp

Về giải pháp, chính sách thu hút vốn đầu tư, ông Nguyễn Duy Lâm cho biết, đây là tuyến đường đi qua vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, liên quan đến quốc phòng - an ninh, việc huy động các nguồn vốn khác hiệu quả thấp. Do đó, Chính phủ xác định nguồn vốn đầu tư công là chủ đạo.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, qua quá trình giám sát, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan nỗ lực tổ chức thực hiện Nghị quyết số 66 của Quốc hội. Đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến theo yêu cầu của Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, cần rút kinh nghiệm trong thực hiện dự án như: công tác lập kế hoạch nhu cầu vốn và phân bổ kế hoạch vốn chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và nhu cầu vốn thực tế của dự án; một số dự án BOT, BT chưa được quản lý phù hợp, không khả thi về phương án tài chính, khó khăn huy động vốn; một số dự án phải dừng, giãn, điều chỉnh đã làm kéo dài thời gian hoàn thành.

3(2).jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, Chính phủ cần phân tích rõ hơn một số nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế; đồng thời xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp để hoàn thành các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn 2021 – 2025. Thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và phê duyệt các quy hoạch có liên quan; tiếp tục đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh theo quy mô tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021.

Cho ý kiến tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có nhiều cố gắng trong đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của dự án đường Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện dự án khi đến nay, dự án không bảo đảm tiến độ, mục tiêu Quốc hội giao. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ rõ, cần xem xét tổng thể các nguyên nhân chủ quan, khách quan về trách nhiệm của địa phương, của Trung ương để đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện dự án này.

4(1).jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung làm việc 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, thảo luận về Báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 tại Kỳ họp thứ Ba vào tháng 5 tới; đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh Báo cáo trình Quốc hội. Đối với các đoạn, tuyến còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát nhu cầu, hiệu quả đầu tư trong điều kiện có nhiều tuyến đường đã và đang triển khai (như tuyến đường cao tốc, Quốc lộ 1A, đường ven biển), sự phù hợp quy hoạch giao thông và khả năng cân đối ngân sách, khả năng huy động nguồn lực của xã hội để thực hiện từng đoạn tuyến, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ; báo cáo cấp thẩm quyền quyết định theo từng đoạn tuyến.

Trước đó, sáng 10/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 9. Theo dự kiến chương trình, phiên họp diễn ra theo hai đợt. Đợt 1 diễn ra trong 3,5 ngày, từ 10-16/3/2022 và đợt 2 diễn ra trong 4 ngày, từ 22-25/3/2022.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 3 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, cho ý kiến với 2 dự án Luật và 1 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua 1 Pháp lệnh, 1 Nghị quyết và đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Đặc biệt, tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1 ngày để chất vấn đề hai vấn đề thuộc lĩnh vực công thương và tài nguyên và môi trường đang rất thời sự hiện nay.

Nhóm vấn đề chất vấn về lĩnh vực tài nguyên và môi trường tập trung vào các nội dung: Việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân, việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này; Việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy, xử lý chất thải công nghiệp, vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương).

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học Công nghệ, Xây dựng, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.

Thanh Tùng