Agribank tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp vượt khó trong đại dịch

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 15:33, 11/03/2022

Là NHTM được ghi nhận "mạnh tay" nhất trong việc giảm lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ khách hàng trong năm 2021, ngay những ngày đầu quý I/2022, Agribank tiếp tục triển khai chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn với quy mô 30.000 tỷ đồng với mong muốn cùng cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Năm 2021, đại dịch Covid -19 kéo dài sang năm thứ hai liên tiếp với mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng nặng nề hơn, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%; bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (Theo Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021 của Tổng cục Thống kê). 

Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng nói chung, trong đó có Agribank, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để có thể góp phần đưa đất nước ta từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”. Đồng thời, chủ động bám sát tình hình dịch bệnh, triển khai quyết liệt và mạnh mẽ hơn các giải pháp nhằm tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, từng bước khôi phục và phát triển nền kinh tế.

Năm 2021: cắt giảm lợi nhuận để giảm lãi suất và phí dịch vụ

Thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, nhất là chính sách tín dụng; ngay từ đầu năm Agribank kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 và nhiều chương trình giảm lãi, giảm phí góp phần hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lực bẩy tăng trưởng kinh tế. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Agribank thực hiện nghiêm túc cơ cấu, miễn giảm lãi cho khách hàng theo Thông tư 01 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung của NHNN.

Đến hết 31/12/2021, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí với tổng số tiền là 51.029 tỷ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, cơ cấu lại nợ (gốc + lãi) là hơn 48.679 tỷ đồng với 15.975 khách hàng; Dư nợ miễn, giảm lãi 2.350 tỷ đồng với 463 khách hàng, số lãi được miễn, giảm 30 tỷ đồng.

24.jpg
Tích cực, chủ động hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch

Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Agribank thực hiện nghiêm túc cam kết giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.  Theo số liệu cập nhật của NHNN, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/12/2021 của 16 ngân hàng là khoảng 21.244 tỷ đồng, đạt 105,13% so với cam kết. Trong đó, Agribank tiếp tục đứng đầu trong việc giảm lãi suất khi tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng lên tới 5.512 tỷ đồng (đạt 110,24% so với cam kết); với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,4 triệu tỷ đồng cho gần 3,5 triệu khách hàng.

Ngoài ra, Agribank cùng ba NHTM trong nhóm Big4 tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Doanh số giải ngân đến 31/12/2021 đạt hơn 1.015 tỷ đồng với trên 4.600 khách hàng.

Ngoài các gói hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của NHNN, từ ngày 14/7/2021, Agribank tiếp tục thực hiện chính sách giảm 10% lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu. Chỉ sau 5 tháng triển khai, tổng dư nợ được giảm lãi suất hơn 1,1 triệu tỷ đồng với 3,1 triệu khách hàng, số tiền lãi được giảm đến 31/12/2021 là 5.109 tỷ đồng. Song song với đó, Agribank thực hiện giảm 10% lãi suất đối với dư nợ cho vay mới được kéo dài đến 31/12/2021 theo quy định của Agribank với doanh số trên 450.000 tỷ đồng, dư nợ còn lại là khoảng 170.000 tỷ đồng với gần 300.000 khách hàng.

Xác định việc triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, sớm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành ngân hàng, Agribank luôn dành nguồn vốn ưu đãi lớn hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng thúc đẩy sản xuất kinh doanh vượt qua đại dịch.

Trong năm 2021, Agribank đã triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi: chương trình 100.000 tỷ đồng đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; 15.000 tỷ đồng và 600 triệu USD tài trợ khách hàng xuất nhập khẩu; 30.000 tỷ đồng đối với khách hàng SMEs; 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị; 25.000 tỷ đồng cho vay thấu chi đối với khách hàng trả lương qua tài khoản Agribank; 30.000 tỷ đồng đối với khách hàng doanh nghiệp lớn.

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, năm 2021 toàn ngành Ngân hàng, trong đó có Agribank đã dồn toàn lực để tiết giảm chi phí, kiểm soát chất lượng tín dụng, đồng thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn của dịch Covid-19. Tổng số tiền hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất của Agribank đã lên đến gần 6.000 tỷ đồng; Cộng với chính sách miễn phí dịch vụ thanh toán, trong năm 2021, Agribank giảm khoảng 7.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng. Đến nay, có thể khẳng định Agribank là một trong những ngân hàng thực hiện hỗ trợ lãi, phí nhiều nhất, tích cực đồng hành với khách hàng vượt qua khó khăn.

Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp trong năm 2022

Ngay trong quý I/2022, Agribank đã triển khai triển khai chương trình tín dụng ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp lớn với quy mô 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về khôi phục và phát triển kinh tế đất nước sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, từ ngày 01/03/2022, khách hàng doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận mức lãi suất cho vay ngắn hạn 4,0%/năm để bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất kinh doanh. Đối tượng của chương trình là các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ theo các tiêu chí của Agribank.

Bên cạnh việc được hưởng lãi suất vay ưu đãi, khách hàng còn được hưởng các chính sách ưu đãi miễn, giảm phí dịch vụ khác, đồng thời sử dụng các sản phẩm dịch vụ khác của Agribank như: Tiền gửi có kỳ hạn, Chi trả lương qua tài khoản, Nhờ thu tự động, Nộp thuế điện tử, Thanh toán quốc tế và kinh doanh ngoại tệ, Thẻ, POS, E-Banking, Bảo hiểm,…

14(1).jpg
Agribank luôn “sát cánh chung vai” cùng doanh nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế đất nước

Trước đó, trong năm 2020 và 2021, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn với quy mô lên đến 50.000 tỷ đồng bởi đây luôn là nhóm đối tượng khách hàng mà Agribank luôn hết sức quan tâm, dành một nguồn lực lớn để xây dựng các chính sách, sản phẩm phù hợp đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Agribank định hướng xây dựng mối quan hệ với các khách hàng là doanh nghiệp lớn một cách bền vững, lâu dài, vì lợi ích và sự phát triển của doanh nghiệp.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, năm 2022, Agribank xác định thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến của dịch bệnh, thiên tai, đồng thời tiếp tục triển khai thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, thiệt hại bất khả kháng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp….

Bên cạnh đó, Agribank sẽ tạo điều kiện cho khách hàng bị ảnh hưởng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh tốt. Chủ động, thường xuyên rà soát để có các giải pháp phù hợp với từng đối tượng khách hàng trong thời gian dịch bệnh cũng như sau khi kết thúc dịch.

Trung Dũng