Rừng Amazon có thể đạt đến “điểm tới hạn”
Thế giới - Ngày đăng : 10:28, 10/03/2022
Hơn 75% diện tích mất khả năng phục hồi
Nghiên cứu cho thấy, hơn 75% diện tích rừng nhiệt đới Amazon đã mất khả năng phục hồi kể từ đầu những năm 2000, do đó, rừng phải mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau hạn hán và cháy rừng.
Sự mất ổn định lớn nhất là ở các khu vực gần trang trại, đường sá, khu vực đô thị và các khu vực đang ngày càng khô hơn, nguyên nhân được cho là do rừng bị tàn phá và sự nóng lên toàn cầu. Các nhà khoa học kết luận rằng, những yếu tố này có thể đã đẩy Amazon gần đến “điểm tới hạn”.
Nghiên cứu không đưa ra dự đoán về thời điểm có thể đạt tới “điểm tới hạn”, nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo thời điểm đó xuất hiện đồng nghĩa với sẽ quá muộn để ngăn chặn. Sau khi đạt đến “điểm tới hạn”, rừng nhiệt đới sẽ biến đổi thành đồng cỏ trong vòng vài thập kỷ, giải phóng một lượng lớn carbon và làm tăng tốc độ nóng toàn cầu.
Các “điểm tới hạn” trên quy mô hành tinh là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của các nhà khoa học khí hậu, vì chúng không thể thay đổi theo thang thời gian của con người.
Giáo sư Niklas Boers tại Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) cho biết: “Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng, Amazon có thể đạt đến “điểm tới hạn”, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng thực nghiệm quan trọng khẳng định, cánh rừng này đang tiến đến ngưỡng đó. Điều này rất đáng lo ngại”.
Nghiên cứu bổ sung bằng chứng về biến đổi khí hậu
Nghiên cứu cũng chỉ ra, trong 20 năm qua, các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán hoặc cháy rừng mất nhiều thời gian hơn để phục hồi so với trước đây. Đây là dấu hiệu chính của sự bất ổn ngày càng tăng vì nó cho thấy các quá trình phục hồi đang ngày càng yếu đi.
Các khu vực khô của rừng nhiệt đới mất tính ổn định hơn những khu rừng ẩm ướt. Giáo sư Boers cho biết, đây là điều đáng báo động khi các mô hình của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) dự báo, biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể làm khô tổng thể rừng Amazon tương ứng với sự nóng lên toàn cầu.
Các khu vực chịu sự tàn phá của con người cũng bất ổn hơn. Cây cối rất quan trọng trong việc tạo ra mưa, vì vậy việc chặt cây để có đất sản xuất đậu nành sẽ gây ra tình trạng khô hạn và nhiều cây rụng lá hơn.
Một nghiên cứu khác vào năm 2021 dựa trên dữ liệu từ hàng trăm chuyến bay bằng máy bay nhỏ cho thấy, rừng Amazon hiện thải ra nhiều khí carbon dioxide hơn nó hấp thụ, chủ yếu là do cháy rừng.
Giáo sư Tim Lenton tại Đại học Exeter (Anh), đồng tác giả của nghiên cứu đánh giá: “Nghiên cứu đã hỗ trợ các nỗ lực nhằm đảo ngược nạn phá rừng và suy thoái rừng Amazon để giúp rừng phục hồi, chống lại tình trạng BĐKH đang diễn ra”.
Không thuộc nhóm nghiên cứu, Chris Jones, Trung tâm Met Office Hadley (Anh), nhận định: “Nghiên cứu này bổ sung bằng chứng thuyết phục rằng, BĐKH là một nguy cơ hiện nay và những tác động nghiêm trọng không thể đảo ngược từ BĐKH có thể trở thành hiện thực. Chúng ta chỉ còn cơ hội mong manh để thực hiện hành động khẩn cấp”.
“Kết luận đáng lo ngại của nghiên cứu phù hợp với các nghiên cứu khác gần đây về tỷ lệ cây rừng chết cũng như cháy rừng gia tăng và giảm lượng carbon trong khu vực”, Chris Jones nói thêm.