Khánh Hòa đề ra nhiều giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:02, 10/03/2022

(TN&MT) - Với chiều dài bờ biển tính theo mép nước khoảng 385km và gần 200 đảo lớn, nhỏ gần bờ; 3 vịnh nổi tiếng (Nha Trang, Vân Phong và Cam Ranh). Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, du lịch, đồng thời cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. PV Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở TN&MT Khánh Hòa xung quan nội dung quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường.

PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của ngành năm 2021 cùng những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành TN&MT Khánh Hòa đề ra trong năm 2022?

Ông Nguyễn Văn Đồng:

Năm 2021, ngành TN&MT Khánh Hòa đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó, phải kể đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Sở đã tham mưu UBND tỉnh giải quyết 147/233 hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; cấp 6.112/2.000 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, đạt tỷ lệ 305,6% so với kế hoạch; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của 8/8 huyện, thị xã, thành phố; phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của 6 đơn vị... Đối với các dự án đầu tư công, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá đất bồi thường 35 dự án và 2 dự án đầu tư ngoài ngân sách…

t3.1.jpg

Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở TN&MT Khánh Hòa

Năm 2022, ngành TN&MT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính; kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở và các đơn vị trực thuộc; tập trung giải quyết đơn khiếu nại, tranh chấp, tố cáo; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các hoạt động khoáng sản, đất đai, môi trường, đo đạc bản đồ, tài nguyên nước; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng giá đất, bán đấu giá đất; tập trung tham mưu xử lý các sai phạm qua thanh tra, kiểm tra…

PV: Vậy kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 của tỉnh sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đồng:

Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa đang quản lý 32 khu đất trên địa bàn tỉnh. Trong tổng số 32 khu đất đã quản lý, Trung tâm đang thực hiện vận hành bãi đỗ xe tạm tại 6 khu đất nhằm giải quyết tắc nghẽn giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang. Qua kiểm tra, rà soát theo hiện trạng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2021, dự kiến, năm 2022, tỉnh có 15 khu đất, thửa đất phù hợp để lập kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất với tổng số tiền sử dụng đất tạm tính là hơn 752,2 tỷ đồng.

t3.2.jpg
Khánh Hòa sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Sở TN&MT sẽ sớm tham mưu UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy về việc xây dựng Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022. Trong kế hoạch, phải nêu cụ thể những tồn tại, khó khăn, kiến nghị tháo gỡ vướng mắc ở từng vị trí khu đất đấu giá; các khu đất đủ điều kiện đấu giá phải lập hồ sơ địa chính, xác định ranh giới đo đạc. Các ngành cần thống nhất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đối với các khu đất Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đang quản lý.

Sắp tới, Sở TN&MT sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính kiểm tra, rà soát tính pháp lý, các quy định pháp luật để đảm bảo công tác xây dựng kế hoạch đấu giá và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 đạt hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

PV: Được biết, hiện Khánh Hòa đang tập trung thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có nội dung hoàn thiện pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Đồng:

Ngày 10/2 vừa qua, Sở TN&MT có văn bản gửi các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển về việc rà soát, kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Đề nghị các cơ quan rà soát, tổng hợp các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo hiện hành đang gây khó khăn, vướng mắc, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

t3.2.jpg

Khánh Hòa đã có nhiều quyết sách quan trọng để thúc đẩy kinh tế biển và vùng ven biển đảo

Từ đó, kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các quy định về thủ tục hành chính giao khu vực biển, cấp giấy phép nhận chìm ở biển quy định.

Cùng với đó, đề xuất việc xây dựng, ban hành mới các quy định, văn bản để đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Lam (thực hiện)