Cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đất đai

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 09:01, 10/03/2022

(TN&MT) - Đó là kiến nghị của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) về định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, cần đào tạo, xây dựng bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực về đất đai đủ mạnh để làm tốt nhiệm vụ xây dựng chính sách, quản lý đất đai. Tăng cường năng lực của cơ quan thanh tra trong lĩnh vực đất đai; Xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm về đất đai.

Bộ máy quản lý đất đai được hoàn thiện và hoạt động hiệu quả

Theo Bộ LĐTB&XH, sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành, Bộ đã tổ chức quán triệt nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ qua hình thức tập huấn, tuyên truyền và lồng ghép vào chương trình công tác hàng năm của Bộ. Đặc biệt là các quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất…

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, thi hành Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác cải cách hành chính về đất đai đã được coi trọng, giảm tối đa các thủ tục; công tác đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính được đẩy mạnh, tạo lập và củng cố hồ sơ quản lý, trở thành tài liệu xác định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; đất đai trở thành nguồn vốn không thể thiếu trong phát triển kinh tế; nhiệm vụ và quyền hạn về quản lý đất đai của Nhà nước được phân cấp quản lý; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được khẳng định và được Nhà nước tạo thuận lợi trong việc sử dụng đất phát triển kinh tế; đã xác định rõ hơn về sở hữu toàn dân đối với đất đai và khẳng định Nhà nước là người đại diện quyền sở hữu, tình trạng vi phạm Luật Đất đai, chuyển nhượng ngầm, sốt ảo về nhà đất, chuyển mục đích trái phép đã được xử lý bằng pháp luật; các vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai đã được giải quyết kịp thời góp phần ổn định chính trị - xã hội.

t4.jpg

Một góc đô thị đang phát triển tại TP.HCM.

Bộ máy quản lý đất đai các cấp từng bước được hoàn thiện và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; nhận thức của đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với công tác quản lý và sử dụng đất được nâng lên và tự giác thực hiện, do đó đã thu được những kết quả nhất định.

Còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý

Bên cạnh những yếu tố tích cực, vấn đề quản lý đất đai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chế độ sử dụng các loại đất chưa phát huy được hiệu quả theo quy hoạch sử dụng đất, tình trạng lãng phí đất đai tuy không phổ biến nhưng còn diễn ra. Ở một số nơi, các loại đất đưa vào sử dụng hiệu quả chưa cao, người sử dụng đất còn lợi dụng việc giao đất, cho thuê đất để chuyển nhượng ngầm, giảm quá nhiều diện tích đất nông nghiệp và trồng lúa dẫn đến tình trạng nông dân mất ruộng, không có việc làm và đây cũng là một trong những nguyên nhân của các tệ nạn xã hội.

Đáng chú ý là vấn đề quy hoạch “treo” gây bức xúc cho người sử dụng đất, làm ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống người dân. Công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư tại một số khu đô thị thực hiện còn chậm so với tiến độ yêu cầu. Việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn chậm. Tài chính về đất đai chưa linh hoạt, giá đất đền bù còn bất cập so với giá thị trường.

Vấn đề “thổi giá” đất thông qua đấu giá cũng là một điểm nóng, gây bức xúc và thiệt hại cho một bộ phận người dân có nhu cầu sử dụng đất thực. Tình trạng bỏ giá cao sau đó bỏ, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính còn xảy ra mạnh trong thời gian gần đây.

Một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp có các cơ sở nhà, đất có tranh chấp, lấn chiếm với người dân hoặc với công chức, viên chức của đơn vị đã nghỉ hưu chưa xử lý được dứt điểm dẫn đến kéo dài nhiều năm vì chưa có chế tài cưỡng chế thực hiện, chưa nhận được sự quan tâm, phối hợp của chính quyền địa phương.

Việc cấp mới hoặc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng còn nhiều vướng mắc; một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành với các Luật khác như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở...

Chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ quản lý

Để tháo gỡ những bất cập, Bộ LĐTB&XH đề xuất, kiến nghị về định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về đất đai như Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường công khai, minh bạch về đất đai, đảm bảo với Hiến pháp năm 2013 về đất đai, quyền công dân.

Sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức quán triệt nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ qua hình thức tập huấn, tuyên truyền và lồng ghép vào chương trình công tác hàng năm của Bộ. Đặc biệt là các quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất.

Đồng thời, đảm bảo điều chỉnh đúng, phù hợp với thực tiễn quản lý, sử dụng đất; đảm bảo thống nhất với các luật khác như Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đầu tư...

Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sửa đổi, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người sử dụng đất nông nghiệp có thể chuyển đổi linh hoạt cây trồng, vật nuôi, xây dựng công trình phụ trợ trên đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đối với từng loại đất nông nghiệp phù hợp với từng vùng, miền.

Đặc biệt, cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đất đai. Cụ thể là đào tạo, xây dựng bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực về đất đai đủ mạnh để làm tốt nhiệm vụ xây dựng chính sách, quản lý đất đai. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Tăng cường năng lực của cơ quan thanh tra trong lĩnh vực đất đai. Xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm về đất đai.

Mặt khác, sớm hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, quản lý đất đai công khai, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trường Giang