Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé: Dấu ấn chủ động thích ứng biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:59, 10/03/2022

(TN&MT) - Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé lớn nhất miền Tây vừa chính thức khánh thành giai đoạn 1. Khi đi vào vận hành, công trình này sẽ giúp kiểm soát độ mặn nguồn nước không vượt quá giới hạn, tạo điều kiện sản xuất ổn định cho diện tích gần 385 nghìn ha, hầu hết là đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản thuộc 4 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.

Tạo điều kiện sản xuất theo hệ sinh thái

Đối với người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và vùng dự án nói riêng, một hệ thống thủy lợi hiện đại là mong mỏi nhiều năm nay. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt và gây khó khăn cho sản xuất, đời sống. Điển hình là mùa hạn mặn 2020 kéo dài hơn nửa năm đã khiến 6 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống khẩn cấp. Hạn mặn từng khiến các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề hàng chục nghìn ha lúa, vườn cây ăn quả; người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Đầu tháng 2/2021, một hợp phần của dự án là cống Cái Bé đã vượt tiến độ đưa vào vận hành sớm hơn 1 mùa khô, nhờ đó đã kịp thời bảo vệ cho khoảng 20.000ha đất sản xuất của 2 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, giúp tỉnh Kiên Giang tiết kiệm hàng chục tỷ đồng nhờ không phải đắp hơn 130 đập tạm… Đến nay, toàn bộ hệ thống công trình giai đoạn 1 đi vào vận hành đang phát huy vai trò ngăn mặn hiệu quả trong bối cảnh ĐBSCL đang bước vào thời kỳ hạn, mặn cao điểm tháng 3. Kết hợp triển khai kịp thời các giải pháp phòng chống từ sớm, các địa phương trong khu vực đều đang giữ nhịp độ sản xuất bình thường.

t7.jpg

Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé khi hoàn thành.

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL, phương hướng phát triển nông nghiệp của vùng là chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái: ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên. Với vai trò điều tiết mặn, cống Cái Lớn - Cái Bé sẽ giúp đảm bảo điều kiện ổn định cho vùng sản xuất tại các địa phương, góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên (Kiên Giang) ở những năm mưa ít; tiêu thoát, giảm ngập úng cho vùng hưởng lợi của hệ thống (Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng.

Điển hình tại Kiên Giang - tỉnh có diện tích lớn nhất thuộc vùng hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, đã triển khai thực hiện thí điểm các mô hình sinh kế thích ứng với nguồn nước được kiểm soát ở các huyện An Biên, An Minh, Châu Thành, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Gò Quao. 26 mô hình sản xuất khác nhau, đáp ứng nhu cầu chuỗi liên kết với diện tích 950ha được triển khai như mô hình cánh đồng lớn, mô hình tôm - lúa quản lý cộng đồng, mô hình khóm - cau - dừa... Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đóng góp quan trọng vào thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững tại vùng bán đảo Cà Mau và ĐBSCL.

Công trình này còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất. Các tuyến đê dọc sông Cái Lớn, Cái Bé gần phạm vi công trình đã tạo thành đê bao bảo vệ khu vực bên trong mỗi khi triều cường dâng cao, đồng thời kết hợp thành đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Đến 2025 sẽ khắc phục cơ bản hạn mặn

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, từ sau đợt hạn mặn năm 2015 - 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và có nghiên cứu để đầu tư 11 công trình trọng yếu, trong đó có hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé. Giai đoạn 1 sau khi hoàn thành giúp kiểm soát mặn, ngọt cho diện tích gần 385 nghìn ha đất trồng lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Giai đoạn 2 sẽ lên đến 1 triệu ha - tương đương gần 25% vùng đất sản xuất ở ĐBSCL.

Với vai trò điều tiết mặn, cống Cái Lớn - Cái Bé sẽ giúp đảm bảo điều kiện ổn định cho vùng sản xuất tại các địa phương, góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên (Kiên Giang) ở những năm mưa ít; tiêu thoát, giảm ngập úng cho vùng hưởng lợi của hệ thống (Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng.

Ý nghĩa của công trình nằm ở sự thay đổi trong tư duy và nhận thức đối với công tác thủy lợi khu vực ven biển ĐBSCL, từ “ngăn mặn” sang “kiểm soát nguồn nước”. Khái niệm “Thuận thiên” đối với nông nghiệp là “Thích ứng có sự kiểm soát”, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các công trình thủy lợi.

Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NN&PTNT đang bàn với các tỉnh sẽ tập trung đầu tư các hệ thống thủy lợi liên vùng, mang tính động lực, để góp phần vào việc tái cơ cấu nông nghiệp. Mục tiêu là điều tiết các nguồn nước để đến năm 2025, khắc phục cơ bản tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; xa hơn, đến năm 2030, sẽ giải quyết được vấn đề này - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Đối với các địa phương trong vùng hệ thống công trình thủy lợi, các chuyên gia khuyến nghị cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, hạn mặn để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch vận hành các cống cho phù hợp, đảm bảo vận hành điều tiết nước hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa phương để xây dựng, nâng cấp các hệ thống thủy lợi do địa phương quản lý nhằm đảm bảo tính đồng bộ, khép kín việc ngăn xâm nhập mặn cho vùng ĐBSCL.

Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thủy lợi bằng cách tạo thêm sinh kế cho người dân, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp và phát triển các ngành nghề khác, như phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Khánh Ly