Tìm giải pháp chống thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai: Lãng phí những dự án bỏ hoang

Đất đai - Ngày đăng : 08:59, 10/03/2022

(TN&MT) - Thời gian qua, ở nhiều địa phương, tình trạng quy hoạch treo, chậm triển khai không chỉ gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách mà còn đặc biệt ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch thiếu thực tế, quy hoạch bị phá vỡ

Có thể thấy, còn tồn tại tình trạng dự án “treo”, quy hoạch “treo” trong thời gian qua là do quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (QH, KHSDĐ) phụ thuộc vào phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Trung ương, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Việc thực hiện quy hoạch và thu hút đầu tư, nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án; một số công trình, dự án cấp quốc gia sử dụng vốn từ ngân sách Trung ương chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng tiến độ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện QH, KHSDĐ.

t8.1.jpg
Công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất cần được tăng cường.

Bên cạnh đó, do việc đánh giá, dự báo nhu cầu sử dụng đất của một số công trình, dự án trong kỳ QH, KHSDĐ chưa sát với thực tiễn. Chất lượng quy hoạch còn hạn chế, tính khả thi chưa cao do thiếu những luận cứ mang tính khoa học nên việc xác định chỉ tiêu, quy mô diện tích một số công trình, dự án trong QH, KHSDĐ còn cao so với khả năng thực hiện của địa phương. Quy hoạch xây dựng, quy hoạch các KCN, đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới chưa thống nhất và tuân thủ theo QH, KHSDĐ.

Việc quy hoạch và phát triển các KCN còn thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh; chưa xem xét đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội; nhiều nơi, việc bố trí đất đai cho các khu công nghiệp (KCN) còn chưa hợp lý; việc phát triển nhanh các KCN ở một số địa phương trong thời gian qua đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân KCN.

Số liệu báo cáo gần nhất của 48 tỉnh, thành phố cho thấy, có đến 3.088 dự án, công trình chậm triển khai thực hiện, với tổng diện tích 80.453,2ha, trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1ha.

Theo nhiều chuyên gia, dự án “treo”, quy hoạch “treo” còn là hậu quả của việc thiếu các giải pháp có tính khả thi để thực hiện QHSDĐ, đặc biệt là không cân đối đủ nguồn vốn đầu tư ngân sách của các địa phương trong khi nhu cầu vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật là rất lớn; mất nhiều thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch…

Nâng cao chất lượng công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất

Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất cần được tăng cường, nâng cao chất lượng. Công tác lập, quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát QH, KHSDĐ cần thống nhất chặt chẽ, đảm bảo cân đối tổng thể giữa bảo tồn và phát triển, giữa các thế hệ và giữa các bên liên quan, có tầm nhìn dài hạn, khả thi trong thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tránh quy hoạch “treo” không thực hiện được hoặc việc bố trí quỹ đất cho các mục đích sử dụng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế do không lường hết những khó khăn trong quá trình thi công giải phóng mặt bằng, huy động vốn đầu tư. QHSDĐ cần xác định rõ các hạng mục ưu tiên, nguồn vốn khả thi để thực hiện các công trình, dự án có sử dụng đất đảm bảo đúng tiến độ, trên nguyên tắc phân bổ hợp lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đảm bảo an ninh lương thực.

Đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất để khắc phục tình trạng dự án “treo”, quy hoạch “treo”. Tổ chức giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, KCN, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng hoang hóa, chậm đưa đất vào sử dụng. Quy hoạch của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải thống nhất với QH, KHSDĐ. Quản lý, sử dụng đất theo đúng QH, KHSDĐ được duyệt, nhất là các khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Thực tế, Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rõ về các trường hợp xử lý, thu hồi đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Tuy nhiên, việc thực hiện rất khó bởi doanh nghiệp tìm cách xin gia hạn để không bị thu hồi. Hơn nữa, việc thu hồi còn chưa được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt dứt điểm.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các trường hợp dự án “treo”, quy hoạch “treo”, bỏ hoang, chậm đưa đất vào sử dụng, lấn chiếm đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch. Tăng cường công tác giám sát của các đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, HĐND các cấp trong việc tổ chức lập, thẩm định và thực hiện QH, KHSDĐ tại địa phương; giám sát dự án treo, quy hoạch treo, bỏ hoang, chậm đưa đất vào sử dụng, quá trình chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; việc sử dụng đất để thực hiện dự án theo đúng QH, KHSDĐ đã được phê duyệt, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý…

Về phía quản lý Nhà nước, hy vọng “Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội” được phê duyệt, ban hành sẽ khắc phục, giải quyết được những vướng mắc còn tồn tại trên phạm vi cả nước; giải phóng và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Thúy Nhi