Tiếp bài "KCN Nam Cấm (Nghệ An) - Doanh nghiệp "tiến thoái lưỡng nan" vì vướng mắc GPMB": Vai trò của cơ quan chức năng khá mờ nhạt?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 10:03, 09/03/2022
Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Nghi Lộc, vào năm 2021 cho thấy, từ năm 2005 đến 2012 tại Khu A, KCN Nam Cấm đã có 8 doanh nghiệp đã được ký hợp đồng thuê đất với tổng diện tích 395.582.3m2.
Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp tham gia vào đầu tư tại Khu A thì có 4 doanh nghiệp (Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty CP Trung Đô, Công ty CP Thịnh Lộc, Công ty CP Đầu tư xây dựng 379) đến nay vẫn còn vướng mắc về đất đai do chưa được cấp có thẩm quyền bàn giao số diện tích còn lại 234.215,4m2/395.5823m2. Nghĩa là, ở Khu A, KCN Nam Cấm hiện nay vẫn còn gần 60% diện tích mặt bằng đang bị “treo”, chưa được bàn giao để nhà đầu tư triển khai xây dựng hoàn thiện các dự án của mình đã đăng ký thực hiện.
Bên cạnh đó, tại khu vực này cũng có 04 nhà đầu tư khác gồm: Công ty CP xây dựng Tân An, Công ty CP Đồng Tiến, Công ty CP Vật liệu xây dựng Trường An, Công ty CP Tân Thịnh đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng thuê đất với Ban quản lý KKT Đông Nam với tổng diện tích lên tới 263.300m2.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết, thực trạng các dự án triển khai ở Khu A, KCN Nam Cấm gặp vướng mắc về đất đai kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng xuất hiện nhà đầu tư “nôn nóng” áp giá đền bù, hỗ trợ cho người dân "lệch pha" với phương án thống nhất ban đầu đưa ra cũng trở thành nguyên nhân khiến các dự án ở đây chưa được bàn giao mặt bằng một cách đồng bộ.
Cũng trong năm 2021, UBND huyện Nghi Lộc đã nghiên cứu để đưa ra 02 phương án nhằm tháo gỡ khó khăn do vướng mắc về đất đai đối với doanh nghiệp đầu tư tại Khu A, KCN Nam Cấm như sau:
Phương án 01: Căn cứ vào hồ sơ bồi thường, hỗ trợ đã lập trước đây theo mức hỗ trợ cho người dân 59.500đ/m2 cho toàn bộ diện tích nêu trên để phê duyệt, công khai dự thảo phương án và thông báo công khai cho người dân rà soát. Nếu hộ dân nào không nhận tiền hỗ trợ thì tổ chức bảo vệ thi công theo từng dự án để bàn giao mặt bằng.
Đối với phương án này, UBND huyện Nghi Lộc đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, các chủ đầu tư bố trí đủ kinh phí bồi thường, hỗ trợ 42,4 tỷ đồng theo 02 cách.
Đó là doanh nghiệp bố trí kinh phí hỗ trợ theo diện tích thuê, diện tích còn lại gồm đất chưa thuê, đất hạ tầng KCN do nhà nước bố trí kinh phí. Cách thứ 2 doanh nghiệp phải bố trí kinh phí cho toàn bộ diện tích của Khu A, bao gồm diện tích đất chưa cho thuê, đất hạ tầng KCN.
Phương án thứ 2 là tăng mức hỗ trợ lên 100.000đ/m2 theo kiến nghị của người dân, bằng mức hỗ trợ nhưng sẽ gây mất công bằng đối với các trường hợp đã ký hồ sơ, bàn giao mặt bằng ở vị trí khác…
UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất lựa chọn phương án đầu tiên để triển khai và giao cho huyện Nghi Lộc chủ trì, phối hợp với Ban quản lý KKT Đông Nam tập trung thực hiện, xử lý dứt điểm trong năm 2021 đối với phần diện tích đất đang bị người dân lấn chiếm tại Khu A, KCN Nam Cấm. Tuy nhiên, phần việc này đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Ngày 28/02/2021, ông Nguyễn Bá Điệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc nói rằng do vướng mắc liên quan đến phần diện tích đất xây dựng KCN WHA tiếp giáp với Khu A, KCN Nam Cấm nên hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng phải trích đo, lập lại.
Ông Nguyễn Bá Điệp cũng cho biết, sắp tới UBND huyện Nghi Lộc sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân và triển khai cuộc họp để đưa ra phương án xử lý dứt điểm tình trạng vướng mắc đất đai đối với phần diện tích mà doanh nghiệp đang bị “treo” khi vào đầu tư tại Khu A, KCN Nam Cấm.
Các cơ quan chức năng trao đổi như vậy. Tuy nhiên, theo đại diện của một số nhà đầu tư phản ánh thì các phương án được đưa ra tại các cuộc họp giữa các bên đều bị "chìm" theo thời gian và thực chất chỉ đang nằm trên giấy tờ. Điều đó dẫn đến các bế tắc vẫn tiếp tục kéo dài. Những dự án của các nhà đầu tư vẫn rơi vào tình trạng chắp vá, thậm chí phải bỏ dở dang, hoang hoá kéo dài nhiều năm nay đang khiến nhiều nhà đầu tư vào Khu A, KCN Nam Cấm “thiệt đơn, thiệt kép”, không thể ổn định sản xuất kinh doanh, bức xúc, chán nản.
Trước thực trạng như trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An cần phải xem lại chính sách thu hút đầu tư, tránh tình trạng trên "trải thảm đỏ", dưới "rải đinh" như nhiều nhà đầu tư phản ánh.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.