Bình Định: Trùng tu hay phá hoại di tích Tháp Bánh Ít ?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 18:31, 08/03/2022
Tháp Bánh Ít (hay còn gọi là Tháp Bạc) nằm trên địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước là quần thể tháp lớn với bốn công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định.
Tháp Bánh Ít là quần thể đền tháp có số lượng nhiều nhất hiện còn ở Bình Định gồm 4 tháp: Tháp Cổng, Tháp Hỏa, Tháp Bia và Tháp Chính. Căn cứ những dấu tích còn lại cho thấy, trước đây số lượng kiến trúc nhiều hơn, tạo thành một trung tâm tôn giáo hoàn chỉnh ở trung tâm của 3 thành cổ: thành Thị Nại, thành Cha, thành Đồ Bàn. Cụm tháp được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1982 và là công trình kiến trúc cổ của Việt Nam lọt vào cuốn sách "1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời" của nhóm tác giả người Anh.
Ngày 1/9/2021, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít do Sở Văn hóa và Thể thao làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng là 25.632.980.000 đồng. Đây là dự án nhóm C, vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý bố trí cho dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2022.
Việc đầu tư xây dựng công trình nhằm tu bổ, tôn tạo di tích, giữ gìn và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít. Công trình sau khi hoàn thành sẽ thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu về giá trị lịch sử, kiến trúc di tích.
Công trình gồm có nhà thầu tư vấn thiết kế và giám sát là liên danh Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Nguyên Phú và Công ty phát triển công nghệ Việt Long và Công ty TNHH công trình văn hóa Tiên Long. Nhà thầu thi công là liên danh Công ty TNHH xây dựng-tổng hợp Hiếu Ngọc, Công ty TNHH xây dựng Thành Lộc và Công ty TNHH Hùng Phát.
Trong quá trình thi công xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích Tháp Bánh Ít, chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải dùng thủ công, máy đầm đất cầm tay san gạt sân phía trước Tháp Chính thì lại đưa xe cơ giới máy múc vào “oanh tạc” di tích, không đúng hồ sơ thiết kế được thẩm định.
Cụ thể sau khi phát hiện sai phạm trong quá trình thi công công trình, Đội Thanh tra xây dựng số 3 thuộc Sở Xây dựng Bình Định đã lập biên bản vào ngày 4/3/2022 ghi rõ: Đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan ngừng ngay việc thi công san gạt sân phía trước Tháp Chính và khuôn viên Tháp Chính bằng máy cơ giới (theo dự toán đã được thẩm tra của Sở Xây dựng thì phần khối lượng này đắp cát công trình bằng thủ công và máy đầm đất cầm tay) và đưa thiết bị máy móc ra khỏi khu vực thi công.
Thanh tra Sở Xây dựng đề nghị, trong quá trình thi công xây dựng tiếp theo phải thi công xây dựng đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm định phê duyệt và có biện pháp thi công không ảnh hưởng đến hiện trạng di tích. Chủ đầu tư và đơn vị có liên cung cấp đầy đủ 1 bộ hồ sơ pháp lý thi công công trình đến Đội Thanh tra xây dựng số 3 ngày 7/3/2022.
Trong quá trình thi công trùng tu di tích, Sở Văn hóa và Thể thao trình UBND tỉnh Bình Định cho phép tạm dừng phục vụ, đón khách đến tham quan, nghiên cứu tại di tích Tháp Bánh Ít. Thời gian kể từ ngày 5/3/2022 đến ngày 5/4/2022. Việc đóng cửa không đón khách tham quan cũng khiến không ít du khách bị hụt hẫng khi đến Tháp Bánh Ít những ngày vừa qua.
Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc trên, phóng viên liên hệ nhiều lần với Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị chủ đầu tư công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít nhưng không thể liên lạc được.
Trao đổi thêm vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo cho biết: Trong quá trình thi công thì chủ đầu tư và nhà thầu sử dụng xe cơ giới đào khối bê tông của Tháp Chính và san gạt để lát gạch theo thiết kế. Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu phải kiểm tra thì tôi có giao Đội Thanh tra xây dựng số 3 kiểm tra thì phát hiện đúng như phản ánh của dư luận và đơn vi nhà thầu thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế nên yêu cầu các đơn vị tạm dừng thi công.
Ông Trần Viết Bảo thông tin thêm: Đến hôm nay theo Thanh tra Sở báo cáo thì nhà thầu chưa cung cấp hồ sơ pháp lý có liên quan để kiểm tra (theo biên bản ngày 4/3, điều này không có nghĩa là họ không có hồ sơ pháp lý), mục đích cung cấp hồ sơ là để xem xét các vấn đề liên quan đến hồ sơ thiết kế được phê duyệt và thực tế họ thi công tại hiện trường có đúng không? ví dụ: phạm vi, ranh giới; biện pháp thi công các hạng mục (có được phép sử dụng máy móc, loại nào, vật liệu sử dụng như thế nào).
Phóng viên ghi nhận tại hiện trường sáng ngày 8/3/2022, mặc dù Đội Thanh tra xây dựng số 3 đã yêu cầu tạm ngừng thi công nhưng trong khu vực công trình nhà thầu vẫn cho thi công bình thường. Tận mắt chứng kiến những viên đá cổ bị băm nát, nằm ngổn ngang và những chân tháp bị moi quá sâu phía dưới chân tháp, chúng tôi chợt nghĩ không hiểu chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang trùng tu, tôn tạo di tích hay phá hoại vẻ đẹp vốn có của di tích Tháp Bánh Ít?
Được biết, trong quá trình thi công dự án, chủ đầu tư có báo cáo với lãnh đạo tỉnh Bình Định về việc phát hiện mảnh vỡ của tượng đá, sau khi tháo dỡ tấm bê tông (dày trên 20cm nằm ở vị trí phía Đông với Tháp Chính) và đang được thẩm định giá trị.
Trao đổi thêm với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang chia sẻ thêm: UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra quá trình thi công xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích Tháp Bánh Ít và yêu cầu đưa toàn bộ máy múc ra khỏi khu vực thi công. Các hạng mục nào đúng thiết kế thì nhà thầu vẫn cho thi công bình thường. Riêng hồ sơ pháp lý của công trình đã hoàn chỉnh đầy đủ. Vì đang thi công sợ không an toàn cho du khách nên tạm dừng việc đón khách du lịch như thông báo.