Tạo động lực để Kiên Giang phát triển bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 11:22, 08/03/2022

(TN&MT) -Tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang cuối tuần qua, nhiều vấn đề đã được đặt ra nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Riêng lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT đề nghị Kiên Giang cần phát huy tiềm năng kinh tế biển; giải quyết tình trạng đất đai bị bỏ hoang, chậm triển khai; ban hành các cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường phù hợp... Đây là tiền đề thu hút đầu tư, đảm bảo các yêu cầu phát triển bền vững.

Tận dụng lợi thế phát triển các đô thị biển

Báo cáo trước Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2021, kinh tế của tỉnh giữ ổn định và tăng trưởng 0,58%, là 1 trong 6 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng dương. Năm 2022, Kiên Giang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,02% và GRDP bình quân đầu người ở mức 61,3 triệu đồng.

Liên quan đến lĩnh vực TN&MT, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị địa phương tiếp tục chú trọng phát huy tiềm năng phát triển kinh tế biển. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “Phú Quốc, Kiên Giang là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá đặc biệt là nơi kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Do đó, tỉnh cần làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư các hạ tầng khung để dẫn dắt thu hút các nhà đầu tư vào phát triển. Đặc biệt, phát triển các đô thị biển đảo động lực là Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương với hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh nhằm thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển.

t4.jpg

Phát huy nguồn lực đất đai để Kiên Giang có thêm những cánh đồng mẫu lớn.

Điều này cũng đặt ra yêu cầu chú trọng công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên biển; xây dựng mô hình khép kín thu gom, phân loại, xử lý và tái sử dụng nước thải, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại tại các đảo.

Đối với kiến nghị của tỉnh về việc “được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo Đề án nuôi biển được duyệt, không phải xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương cho từng dự án đơn lẻ, đồng thời, giao cho địa phương xem xét, quyết định giao khu vực biển thuộc phạm vi nằm ngoài vùng biển 6 hải lý”, Bộ TN&MT cho rằng, việc sử dụng tài nguyên biển khác với tài nguyên đất đai là việc sử dụng đa mục đích. Một khu vực biển có thể khai thác đa mục tiêu và mỗi một đối tượng được giao khu vực biển sử dụng vào mục đích nhất định, ví dụ: Nuôi trồng thủy sản, khai thác tài nguyên tầng đáy, khoáng sản, năng lượng gió và phải đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh…

Nội dung này được quy định trong Nghị định số 11 về giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, do đó, thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Vì vậy cần có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan. Việc giao địa phương giao khu vực biển tới 6 hải lý hiện chưa phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và năng lực quản lý biển của các địa phương trên cả nước.

Phát huy nguồn lực đất đai

Để đưa nguồn lực đất đai vào sử dụng hiệu quả, đóng góp cho tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của Kiên Giang, Bộ TN&MT đề nghị tỉnh cần tập trung rà soát tình trạng dự án có sử dụng đất chậm triển khai, để hoang hóa, lãng phí đất đai xử lý giải quyết theo thẩm quyền. Lồng ghép, rút ngắn các quy trình thủ tục đất đai thực hiện các dự án đầu tư; tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ dự án tăng cường năng lực quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (VILG) trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai.

Về kiến nghị liên quan đến triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, để có cơ sở pháp lý, đảm bảo quỹ đất cho triển khai thực hiện, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Kiên Giang 5 năm (2021 - 2025), Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc này nhằm đảm bảo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về quy hoạch; Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và thống nhất với Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tuân thủ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phân bổ.

Lĩnh vực môi trường, Kiên Giang cần tập trung triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; ban hành các cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền và phân cấp được quy định trong Luật và Nghị định. Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất thải tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, tiếp tục xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, cải thiện chất lượng không khí ở khu vực đô thị, các khu dân cư gần khu, cụm công nghiệp. Kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, môi trường các lưu vực sông, khu vực cửa biển.

Về lĩnh vực khoáng sản, Bộ TN&MT đề nghị tỉnh chỉ đạo, rà soát quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền đã phê duyệt trước ngày 1/1/2019 để xây dựng nội dung Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên trên địa bàn trong Quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Quy hoạch. Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ trách nhiệm của UBND các cấp theo quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ. Phối hợp các ngành và chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Để phát triển sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, Bộ cũng đề nghị các địa phương của Kiên Giang thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn để đảm bảo vận hành điều tiết nước hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa phương để xây dựng, nâng cấp các hệ thống thủy lợi do địa phương quản lý nhằm đảm bảo tính đồng bộ, khép kín việc ngăn xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khánh Ly