Huy động sức dân ngăn chặn rác thải nhựa: Những quy định phòng ngừa và giảm thiểu

Môi trường - Ngày đăng : 11:20, 08/03/2022

(TN&MT) - Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 đã quy định nhiều nội dung mang tính cách mạng để phòng ngừa và giảm thiểu việc phát sinh rác thải nhựa (RTN) ngay từ khâu sản xuất, nhập khẩu. Hai nhóm nội dung lớn được Luật tập trung quy định là hạn chế việc phát sinh RTN và quản lý hiệu quả RTN đã phát sinh.

Hạn chế việc phát sinh RTN

Bao bì sản phẩm bằng nhựa ở Việt Nam đang phát sinh RTN quá phổ biến, do đó, Luật BVMT năm 2020 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc (trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm). Tổ chức, cá nhân này có thể tự mình tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Đối với phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

t9.2.jpg

Phân loại rác tại nguồn giúp việc xử lý chất thải dễ dàng, bảo vệ môi trường, giảm lượng rác thải nhựa thải ra môi trường

Đồng thời, tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu: Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về BVMT; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu; Có Giấy phép môi trường; Ký quỹ BVMT theo quy định trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác; Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về BVMT…

Quản lý hiệu quả RTN phát sinh

Chất thải rắn sẽ được quản lý theo phương thức mới. Cụ thể, tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) có trách nhiệm vận chuyển chất thải đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân vận chuyển khác để vận chuyển đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp… Mặt khác, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm, CTRSH khác.

CTRSH sau khi phân loại sẽ chứa đựng trong các bao bì nhất định, thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Đáng chú ý, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý…

Theo đánh giá của các chuyên gia, phương thức và cách tiếp cận mới trong quản lý CTRSH nếu được thực thi hiệu quả hứa hẹn cải thiện tốt công tác quản lý rác thải rắn sinh hoạt, tránh rò rỉ ra môi trường RTN như hiện nay.

Trách nhiệm thu gom, xử lý

Luật BVMT năm 2020 đã có quy định cụ thể về việc thu gom RTN từ các nguồn phát sinh khác nhau. Cụ thể, Luật quy định chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý.

Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật; chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định; chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.

Ngoài ra, Luật BVMT năm 2020 còn có quy định mới về trách nhiệm thu gom RTN sau khi đã thất thoát vào môi trường. Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Thực hiện giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý CTRSH trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần…

Thảo Linh