Bình Định: Dân “nín thở” vì doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Tiếng dân - Ngày đăng : 15:59, 04/03/2022
Thời gian qua, hàng trăm hộ gia đình sinh sống ở khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, gần khu vực nhà máy của Công ty cổ phần May Tây Sơn phải sống chung với tình trạng khói bụi đen bay mù mịt vào nhà cửa mỗi khi doanh nghiệp này tiến hành đốt lò hơi phục vụ sản xuất hàng may mặc.
Bà Bùi Thị Ngọc ở tại khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong cho biết: Mỗi khi trưa hay chiều tối là chúng tôi lại thấy khói đen nhả ra từ các ống thải của nhà máy. Khói đen như mực, mùi thì hôi và khét lắm. Ngửi cái mùi đó là ai cũng đau đầu, nhức óc. Nhiều năm qua bà con đã phản ánh tình trạng trên đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhiều lần. Mỗi lần bị người dân phản ứng khi thấy khói đen rồi mùi hôi xuất hiện là phía Công ty lại ngưng vài ngày, sau đó tiếp tục tái diễn.
Đa số người dân ở đây cho biết, thay vì dùng củi để đốt lò thì nhà máy lại cho thêm vải vào để đốt khiến mùi hôi của khói bụi ngày càng nồng nặc. Khói đen bốc ra rất nhiều và bám chặt vào mọi thứ.
Ông Lê Xuân Hạnh sinh sống gần đó tiếp lời: Trước tình trạng kéo dài dai dẳng của việc nhả khói bụi hôi hám từ nhà máy, các hộ dân sống tại đây đều đóng chặt cửa 24/24h, bịt kín các kẽ hở trên tường, vách dù ở nhà hay đi ra ngoài. Mùi hôi kinh khủng lắm. Mấy đứa cháu nhỏ của tôi đều được đưa đi nơi khác để ở chứ không dám cho tụi nó ở đây. Lâu lâu tụi nó về thăm, chơi trong giây lát là đi liền chứ không thể ở lâu được.
Một người dân khác bức xúc nói: Ở đây khu dân cư có trước nhà máy. Tôi không hiểu tại sao người ta lại cho phép nhà máy đặt ngay sát khu dân cư để người dân phải hứng chịu mùi hôi, khổ cực thế này?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Sơn cho biết: Nhà máy của Công ty cổ phần May Tây Sơn sử dụng lò hơi với công suất 300 kg/h để cung cấp nhiệt cho quá trình là ủi sản phẩm, nhiên liệu cho lò hơi chủ yếu là than đá và gỗ củi. Vào tháng 10/2021, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty cổ phần May Tây Sơn đốt vải gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi đã đến kiểm tra và bắt quả tang nhà máy đốt vải với khối lượng 3,7 tấn thay vì đốt củi theo cam kết bảo vệ môi trường. UBND huyện Tây Sơn sau đó lập biên bản xử phạt hành chính 35 triệu đồng và bàn giao khối lượng vải còn lại (gần 3 tấn) cho đơn vị xử lý chất thải rắn công nghiệp theo quy định. Chúng tôi yêu cầu Công ty cam kết không tái phạm và họ đã đồng ý.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Dũng, tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, Công ty cổ phần May Tây Sơn cho rằng do củi ướt, khó cháy, không đủ công suất nên phải đốt thêm vải. “Thời gian tới nếu nhận được phản ánh của người dân về việc này thì chúng tôi sẽ xuống kiểm tra ngay. Nếu tại nhà máy có lưu trữ vải để đốt thì sẽ bị xử lý theo quy định”, ông Dũng khẳng định.
Ông Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết thêm: Thời gian qua, sau khi phát hiện vi phạm của Công ty cổ phần May Tây Sơn, chính quyền địa phương đã xử phạt theo quy định. Lãnh đạo huyện cũng đã yêu cầu Công ty không được dùng vải để đốt gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Thời gian tới, địa phương sẽ làm việc lại với Công ty. Nếu phát hiện Công ty tái phạm, huyện sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không bao che. Huyện cũng đang tính toán phương án di dời nhà máy đến nơi phù hợp hơn thay vì gần khu dân cư như hiện nay.
Riêng về phía Công ty cổ phần May Tây Sơn, phóng viên cũng đã liên hệ với Công ty để tìm hiểu thêm về nội dung phản ánh của người dân, nhưng phía Công ty từ chối trả lời và giữ im lặng.
Có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận lò đốt tạo hơi để phục vụ cho việc sản xuất của Công ty cổ phần May Tây Sơn hoạt động thường xuyên, cách nhà dân chỉ khoảng 20 - 30 m. Khu vực lò đốt của Công ty này được che chắn tạm bợ bằng tôn cũ bị rỉ sét, nhiều chỗ được phá bỏ để khói hơi bốc ra bên ngoài.
Sự việc Công ty cổ phần May Tây Sơn gây ô nhiễm môi trường bắt đầu xảy ra từ năm 2016, bởi trong quá trình hoạt động thường xuyên đốt vải và các chất nguy hại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống và gây thiệt hại đến hoạt động sản xuất nông nghiệp khu vực dân cư xung quanh, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định cũng đã có văn bản yêu cầu Công ty thay thế nhiên liệu đốt lò hơi phải đảm bảo phù hợp, đảm bảo phát sinh ít khí thải, mùi hôi.
Trong trường hợp dùng củi tươi hay giẻ lau đốt lò thì Công ty phải lắp đặt hoàn chỉnh thiết bị xử lý khí Co, Sox, NOx đảm bảo khí thải không có màu đen, mùi khét; cải tạo nâng cao ống khói lò hơi để bảo đảm pha loãng ra môi trường xung quanh. Nếu không khắc phục được, các hộ dân tiếp tục phản ánh, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, từ đó đến nay trải qua nhiều năm, câu chuyện Công ty cổ phần May Tây Sơn gây ô nhiễm môi trường khiến người dân sinh sống xung quanh bức xúc, bất bình vẫn chưa kết thúc.