Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm mở rộng với môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 15:43, 04/03/2022

Sáng 4/3 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức “Hội thảo phổ biến và tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường”.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm, hàng hóa phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động tái chế; tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm, hàng hóa chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải.

980fec37-242b-4b72-9ea1-787576319a57.jpeg
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế chia sẻ tại Hội thảo

Hội thảo là cơ hội để nhà quản lý, các chuyên gia phổ biến và giúp các nhà sản xuất, nhập khẩu hiểu và nắm bắt quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, EPR là tiếp cận chính sách môi trường, theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời sản phẩm đó.

Đây là một công cụ kinh tế và được xem là một cách tiếp cận mới nhằm tác động thay đổi thói quen sản xuất (thiết kế sản phẩm, sử dụng nguyên liệu …) sang sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải. Đồng thời là giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải, tăng cường tái chế, giúp Chính phủ đạt được mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế hay phí môi trường.

Để thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững thì EPR là một trong những công cụ có mối quan hệ mật thiết và cũng là một động lực để thúc đẩy và duy trì nền kinh tế tuần hoàn.

Cũng theo ông Phan Tuấn Hùng, EPR còn giúp tái cấu trúc hệ thống quản lý chất thải hiện nay, góp phần hình thành ngành công nghiệp tái chế hiện đại. Nếu thực hiện đúng, đầy đủ và đáp ứng theo các yêu cầu, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong các hoạt động sản xuất.

66baae4c-727f-401d-b684-a66042cf0a20.jpeg
Hội thảo có sự tham gia của hơn 300 đại biểu 

Tại Hội thảo, các chuyên gia tư vấn đã chia sẻ và hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện đăng ký, kê khai và báo cáo quá trình thực hiện các quy định EPR; đề xuất định mức tái chế; giới thiệu dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải…

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hầu hết các đại biểu tham gia bày tỏ quan điểm ủng hộ chính sách bảo vệ môi trường mới nói chung và quy định EPR nói riêng. Hiện, nhiều doanh nghiệp lớn đã xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện EPR theo đúng quy định.

Phạm Oanh