Trường học không rác thải ở Đà Nẵng

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 16:55, 03/03/2022

(TN&MT) - Triển khai thí điểm mô hình “Quản lý tối ưu rác thải trong trường học”, trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) đã giảm được hơn 60% lượng rác thải, đồng thời sản xuất 100 kg phân trộn dinh dưỡng mỗi tháng. Qua đó, không chỉ tạo môi trường học tập xanh – sạch- đẹp mà còn xây dựng lối xanh – bền vững cho học sinh.

Từ tháng 7/2021, trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) đã triển khai lắp đặt hệ thống xử lý rác thải hữu cơ tại khu vực nhà bếp của trường. Đây là trường học đầu tiên ở Đà Nẵng triển khai mô hình “Quản lý tối ưu rác thải trong trường học” do tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ.

Theo cô Trương Thị Bích Thuỷ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa, hệ thống này đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách về xử lý chất thải rắn tại các trường học trên địa bàn Đà Nẵng. Nếu như trước đây, mỗi ngày, nhà trường đều thải ra môi trường khoảng 10kg thức ăn dư thừa thì nay đã được xử lý và tạo được ít nhất 5kg phân trộn.

z3226566133043_022ce8bf072f761efcc9884be7429027.jpg
Toàn bộ lượng thức ăn dư thừa được ủ và xủ lý thành phân compost ở trường Trần Đại Nghĩa

“Nếu tính trong một tháng, hệ thống đã giúp trường giảm 60% lượng rác thải, tiết kiệm 1 triệu đồng (phí xử lý rác), đồng thời sản xuất 100kg phân trộn dinh dưỡng mỗi tháng. Hệ thống rất thân thiện môi trường, không gây mùi ô nhiễm trong quá trình xử lý. Quan trọng là học sinh của trường được giáo dục về cách xử lý rác thải đúng cách bằng hình ảnh trực quan thực tế” – cô Thuỷ chia sẻ.

Đặc biệt toàn bộ hệ thống xử lý rác thải này do nhóm sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) sáng tạo. Theo TS Phạm Phú Song Toàn - Giảng viên khoa Công nghệ Hóa học – Môi trường, giảng viên hướng dẫn khoa học của nhóm cho biết, ý tưởng giải pháp của đề tài và sản phẩm xuất phát từ nhu cầu cấp bách về xử lý chất thải rắn tại các trường phổ thông trên địa bàn Đà Nẵng. Hệ thống xử lý chất thải rắn hữu cơ được nhóm nghiên cứu sáng tạo nhờ công nghệ Vessel được phát triển theo hướng tối giản, vừa đảm bảo thuận tiện để ứng dụng rộng rãi vừa đảm bảo hợp lý hoá, đạt hiệu quả cao trong xử lý ô nhiễm.

154391_rac-phanloaitruonghoc2.jpg
Học sinh trường Trần Đại Nghĩa được hướng dẫn phân loại rác thải đúng cách

Hệ thống này có thể xử lý hơn 10kg/ngày rác thải từ nhà bếp của nhà trường, giảm đáng kể lượng rác thải phát sinh, không phát sinh mùi và nước rỉ rác dù đặt ngay sát khu bếp. Kết quả sản phẩm sau khi ủ cũng được kiểm định bởi Trung tâm Kỹ thuật Đo lường chất lượng 2, mọi thông số đều đảm bảo sự an toàn cho mục đích sử dụng trong nông nghiệp và cải tạo đất.

Hệ thống xử lý rác hữu cơ đã giành giải Nhất chương trình bình chọn ‘Câu chuyện không rác’ của Liên minh Không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliange-VZWA).

Ưu điểm nổi bật của hệ thống là không mùi hôi, vận hành đơn giản, thời gian xử lý ngắn và chi phí đầu tư không cao rất phù hợp áp dụng trong các trường học và khu dân cư đô thị. Trong giai đoạn tiếp theo nhóm sẽ chọn các đơn vị khách sạn, nhà hàng… để thí điểm.

Bà Trần Thị Thúy Hà, quản lý dự án từ tổ chức Đông Tây hội ngộ cho biết, mô hình của trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa đã mang lại những kết quả tích cực trong việc xử lý rác thải bếp ăn thành phân trộn cho các loại cây trồng hữu cơ và cải tạo đất. Đây sẽ là động lực để tổ chức sẽ tiếp tục hỗ trợ rộng rãi hơn tại các trường học khác trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

z3226565820552_84d909497777c108c7f6d6bebd366b5a.jpg
Thùng phân loại rác tại trường tiểu học Trần Đại Nghĩa, Đà Nẵng.

“Mô hình này sẽ giúp thay đổi hành vi và cách cư xử của giáo viên và học sinh về phân loại rác tại nguồn, thu gom rác, giảm thiểu rác thải nhựa và tái chế rác thải, đồng thời xây dựng mô hình 4R (Từ chối-Giảm thiểu-Tái sử dụng-Tái chế) tại môi trường học đường. Chúng tôi sẽ sớm chuyển giao cho các trường khác trên địa bàn thành phố để thúc đẩy hơn nữa việc phân loại rác tại nguồn”- bà Hà cho hay.

Lan Anh