Bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng trong năm 2022

Bất động sản - Ngày đăng : 14:56, 03/03/2022

(TN&MT) - Nguồn cung hạn chế, giá thuê tăng, phân khúc bất động sản công nghiệp (BĐS CN) được đặt nhiều kỳ vọng phát triển năm 2022.
bds-cong-nghiep.jpg
Ảnh minh họa

Báo cáo quý 4/2021 của JLL Việt Nam cho thấy, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 lần thứ 4 nên thị trường BĐS CN không có nguồn cung mới được triển khai, với tổng diện tích đất cho thuê vẫn duy trì ở mức 25.220 ha. Đáng chú ý, mặt bằng giá tăng ở cả giá đất và giá thuê nhà xưởng xây sẵn (NXXS) so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đơn vị này, trong năm 2022, khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Lập tại Long An và KCN VSIP 3 tại Bình Dương được dự đoán sẽ gia nhập thị trường, giúp Bình Dương và Long An tiếp tục là những thị trường sôi động trong khu vực. Thị trường NXXS ghi nhận một dự án mới tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), đồng thời nhiều dự án mới cũng bắt đầu được khởi công xây dựng và được dự báo sẽ được tung ra thị trường trong năm 2022. Tính đến cuối năm 2021, tổng nguồn cung NXXS đạt khoảng 3,3 triệu m2.

Thị trường phía Nam đã ấm dần sau tác động to lớn của đại dịch Covid-19 trong quý 3/2021. Các KCN đã quay trở lại sản xuất, và nhiều dự án FDI lớn cũng đã tiếp tục đổ bộ vào miền Nam. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN và NXXS lần lượt gia tăng, lần lượt đạt mức 90% và 86%.

Giá đất lấy lại đà tăng trưởng, trong khi giá thuê NXXS cũng đạt mức giá mới. Theo JLL Việt Nam, với việc tái mở cửa trong quý 4/2021, và hoạt động công nghiệp được khôi phục đã giúp giá đất khôi phục đà tăng, đạt 2,7 triệu đồng/m2, với mức tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê NXXS đạt mức gần 11.000 đồng/m2, tăng 4,9% so với năm trước, với đà tăng được ghi nhận mạnh mẽ tại Long An.

Việc các KCN tại Bình Dương và Đồng Nai đã hầu như lấp đầy và kết nối hạ tầng từ Long An về TP.HCM được cải thiện đã khiến các nhà sản xuất chú ý nhiều hơn đến Long An, tạo cơ hội cho giá đất, NXXS ở đây gia tăng. “Năm 2021, tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Long An, TP.HCM và Bình Dương vẫn trong top 5 cả nước về vốn thu hút đầu tư nước ngoài FDI, chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của các tỉnh miền Nam đối với các nhà đầu tư”, JLL Việt Nam cho hay.

Đồng quan điểm, theo đánh giá của Collier, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại chính là đòn bẩy để Việt Nam thay áo cho diện mạo nền kinh tế và thị trường BĐS CN. Các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương có hiệu lực đã tạo ra nhiều cơ hội thu hút những công ty từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc vào Việt Nam xây nhà máy sản xuất nhiều hơn.

Nhiều đơn vị tư vấn cũng đánh giá tích cực về cơ hội bùng nổ của BĐS CN năm 2022. Cushman & Wakefield nhận định, BĐS CN là lĩnh vực có sức nóng nhất trong thời gian qua và sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Đơn vị này dẫn chứng tất cả các loại hình BĐS CN như: nhu cầu thuê đất công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi, kho lạnh... đều tăng cao, thúc đẩy thị trường trở nên hấp dẫn kể từ khi đại dịch bùng phát.

CBRE Việt Nam cũng dự báo, triển vọng của BĐS CN sẽ diễn biến tích cực hơn trong năm 2022, thậm chí kéo dài đà tăng trưởng sang năm 2023. Trong đó, mức giá thuê đất công nghiệp sẽ có mức tăng ổn định là khoảng 4% mỗi năm.

Trong năm 2022, bên cạnh ngành công nghiệp truyền thống, các ngành công nghiệp như dược phẩm, thiết bị y tế và trung tâm dữ liệu (data centers) được dự đoán sẽ là động lực tăng trưởng mới cho thị trường. Các nhà đầu tư KCN và NXXS cũng đã bắt đầu chú ý đến xu hướng phát triển bền vững, với các nhà xưởng, KCN mới đáp ứng tiêu chuẩn xanh được quy hoạch và xây dựng.

Đồng thời, thị trường kho vận và Logistics cũng sẽ vô cùng sôi động với việc các nhà đầu tư đẩy mạnh tìm kiếm quỹ đất, để xây dựng các cơ sở hạ tầng logistics phục vụ thị trường thương mại điện tử và nhu cầu từ thị trường công nghiệp nhà đầu tư nước ngoài.

Thục Vy