EVN cùng người dân Lai Châu giảm nghèo bền vững
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 14:54, 03/03/2022
Điện về thắp sáng thôn, bản
Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững hướng đến mục tiêu tiếp sức cho người dân phát triển cả đời sống vật chất và tinh thần. EVN lấy tinh thần đó để hướng các hỗ trợ của mình vào những trọng điểm cần thiết. Trong đó mang ánh sáng điện đến các thôn bản là điểm nhấn quan trọng nhất.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a tại 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ (Lai Châu), đến cuối năm 2021, EVN đã cung cấp điện cho 100% xã và hơn 97% số hộ dân được cấp điện lưới quốc gia. Như vậy, EVN đã hoàn thành vượt mục tiêu so với cam kết hỗ trợ 100% xã có điện năm 2015 và trên 97,7% hộ dân có điện năm 2021. Tổng chi đầu tư phát triển lưới điện nông thôn trên địa bàn 3 huyện giai đoạn 2009-2021 đạt trên 848 tỷ đồng.
Còn nhớ, khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 30a, năm 2008, trong tổng số 40 xã của 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ, còn đến 11 xã (gần 30%) và tới hơn 18.000 hộ dân (59%) chưa có điện. Xem điện như tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, EVN đã tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ kéo điện lưới đến những vùng sâu, vùng xa nhất.
EVN sử dụng các nguồn vốn đầu tư lưới điện nông thôn qua các dự án: Năng lượng nông thôn II sử dụng vốn vay WB, Dự án Phát triển Năng lượng tái tạo và mở rộng cải tạo lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa sử dụng vốn vay ADB và Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Lai Châu để cấp điện cho các xã trắng chưa có điện, các thôn bản, hộ dân chưa có điện tại 03 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ.
Có thể nói, từ khi các công trình điện đưa vào sử dụng, con em đồng bào các dân tộc có đủ ánh sáng và các điều kiện khác để học tập, chất lượng dạy và học ở tất cả các cấp học tại các địa phương được tăng lên. Cùng từ khi có điện đã góp phần xây dựng củng cố mạng lưới y tế cơ sở, mở rộng các dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt; các hoạt động văn hóa thông tin truyền thông, dân trí được mở mang góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Và từ khi có điện người dân có thể yên tâm đầu tư máy móc chế biến, phát triển sản xuất theo hướng phi nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững, do đó góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo bền vững mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Nghĩa tình 30a nơi vùng cao Tây Bắc
Bên cạnh đưa điện lưới về tới các hộ dân, EVN còn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ để giúp 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ giảm nghèo nhanh và bền vững.
Có thể kể đến các chương trình như xóa nhà tạm; xây dựng nhà bán trú dân nuôi, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, trường học nội trú, bán trú; hỗ trợ đào tạo và bố trí việc làm; hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông nông thôn; đào tạo khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp…
Cùng với Chương trình 167 của Chính phủ, EVN đã thực hiện xóa nhà tạm cho 2.511 hộ chiếm tỷ lệ 83,6% số nhà tạm được xóa. Chương trình đã kết thúc trong giai đoạn 200-2015 với tổng chi phí hỗ trợ cho chương trình xóa nhà tạm đạt 13,115 tỷ đồng.
Nhằm tạo điều kiện sinh hoạt, học tập cho con em đồng bào các dân tộc, EVN hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho 24 điểm trường mầm non (47 phòng học) tại trung tâm các xã với tổng giá trị 21,1 tỷ đồng; Hoàn thành xây dựng và bàn giao 56 “nhà bán trú dân nuôi” tại các trường do UBND tỉnh lựa chọn với tổng chi phí 28,6 tỷ đồng. Cùng với đó là hỗ trợ xây dựng 04 trường học tại các huyện Tân Uyên, Phong Thổ với tổng kinh phí 40,8 tỷ đồng.
EVN còn mở 03 lớp đào tạo nghề cho tổng số 59 học sinh là con em các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ văn hoá theo học cao đẳng, trung cấp nghề theo hình thức cử tuyển đối với các ngành nghề phù hợp được tuyển dụng sau đào tạo. Trong đó, đã hoàn thành đào tạo cho 23 học viên hệ cao đẳng nghề điện khóa 2010-2013 và đã tiếp nhận các học sinh tốt nghiệp về công tác tại các đơn vị trong ngành. Trong năm 2015, sẽ hoàn thành khóa đào tạo cao đẳng nghề điện (2012-2015) cho 24 học viên. Và đang thực hiện đào tạo cao đẳng nghề điện khoá 2014-2017 (thời gian đào tạo 03 năm) cho 12 học viên.
Lai Châu là một tỉnh miền núi, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là những thôn bản vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, việc hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông nông thôn đã “mở đường” cho việc thông thương, gián tiếp hỗ trợ sinh kế, thúc đẩy phát triển sản xuất cho bà con trên địa bàn 3 huyện.
Bên cạnh các chương trình hỗ trợ chính, EVN còn triển khai các hoạt động hỗ trợ về y tế, ủng hộ các đồ dùng thiết yếu cho các em học sinh bán trú và hỗ trợ sửa chữa, hướng dẫn các hộ dân nghèo, hộ dân tộc các hộ dân tái định cư sử dụng điện an toàn, tiết kiệm…. EVN đã mua Bảo hiểm y tế cho 4.278 học sinh trong 03 năm học từ 2009-2011. Đoàn thanh niên EVN cùng đoàn thanh niên của các đơn vị trong EVN phối hợp với đoàn thanh niên của tỉnh và 03 huyện đã thực hiện nhiều chương trình trao quà cho các hộ gia đình khó khăn, chính sách, học sinh trường bán trú tại 3 huyện, tặng tủ sách cho 21 trường học bán trú, quyên góp trao quà Tết cho các hộ gia đình khó khăn...
Sự đồng hành hơn 10 năm qua của EVN đã góp phần cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng giáo dục; củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.