Quảng Bình quản lý khai thác khoáng sản: Siết chặt “cải tạo tận thu”

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:15, 03/03/2022

(TN&MT) - Những năm gần đây, tình trạng các mỏ đất “cải tạo tận thu” trên địa bàn Quảng Bình bị khai thác quá trữ lượng cho phép, vượt phạm vi, thậm chí nhiều đối tượng lợi dụng danh nghĩa khai thác mỏ đất đã ngang nhiên khai thác đá và quặng sắt. Trước tình trạng này, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.

Nhiều bất cập tại các mỏ đất “cải tạo”

Theo báo cáo của Sở TN&MT, Quy hoạch khoáng sản đất làm vật liệu san lấp của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tổng số mỏ khoáng sản sau khi điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch là 184 mỏ, tổng diện tích 2.140,04ha. Đã quy hoạch 48 mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp, diện tích 302,73ha, tài nguyên dự báo 16,05 triệu m3.

Trong đó, các mỏ đất san lấp trên địa bàn còn hiệu lực do UBND tỉnh đã cấp 6 Giấy phép khai thác với diện tích 33,6ha/302,73ha; trữ lượng, tài nguyên đã cấp phép 2,1 triệu m3. Cấp phép khai thác đất san lấp, cát san lấp trong công trình Dự án theo quy định của Luật Khoáng sản: Gồm 13 Dự án, với trữ lượng 1,672 triệu m3.

3a-2-.jpg

Nhiều quả đồi bị khai thác tan hoang.

Các mỏ đã cấp giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, đang làm thủ tục để cấp giấy phép khai thác gồm có: 8 mỏ đất san lấp: tổng diện tích 63ha, trữ lượng 4,6 triệu m3.

Quy hoạch khoáng sản góp phần định hướng cho việc khai thác, sử dụng khoáng sản đảm bảo tiết kiệm, hợp lý; làm căn cứ cấp phép đảm bảo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản; tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, những năm gần đây, trên địa bàn Quảng Bình có hàng trăm mỏ đất mang tên “cải tạo tận thu” được cấp phép với trữ lượng lên đến hàng trăm nghìn khối/năm, trong khi đó, chỉ có một số mỏ đất vật liệu xây dựng được cấp phép theo quy trình. Dưới vỏ bọc của mỏ đất tận thu, những cá nhân, tổ chức mặc sức khai thác hàng trăm nghìn m3, thậm chí nhiều mỏ cải tạo còn ngang nhiên khai thác đá và khoáng sản. Điển hình như tháng 9/2021, Báo TN&MT đã có bài phản ánh về việc cải tạo tận thu đất tại xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa ngang nhiên khai thác trái phép hàng nghìn khối đá. Đáng nói sự việc này chính quyền địa phương phát hiện nhưng không hề có biện pháp xử lý.

UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch đấu giá Số 2743/KH-UBND ngày 14/12/2021, hiện đang làm các thủ tục để đấu giá 9 khu vực mỏ với diện tích 117,17ha.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 12/2021, lực lượng chức năng Quảng Bình phát hiện một mỏ khai thác đất và quặng sắt trái phép tại xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa. Tại hiện trường, cơ quan chức năng xác định các đối tượng đã khai thác trái phép trên diện tích đất và quặng sắt (khoảng 2 - 3ha), tàn phá với độ sâu từ 5 - 7m.

Hầu hết những mỏ đất cải tạo tận thu này chỉ cấp phép có thời gian 12 tháng. Thủ tục cấp phép mỏ đất cải tạo tận thu đơn giản hơn nhiều so với cấp phép mỏ đất, các mỏ cải tạo tận thu đất không phải thực hiện quy trình đấu thầu như cấp mỏ đất. Ngoài ra, các mỏ cải tạo đất này cũng chỉ cần làm một bản cam kết bảo vệ môi trường đơn giản là có thể bán đất, vận chuyển đi mọi nơi.

Thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm

Để siết chặt quản lý, cũng như xử lý các trường hợp vi phạm, ngành Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đã triển khai nhiều biện pháp như: tăng cường công thanh kiểm tra, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, giám sát công tác hoàn thổ sau khi dừng hoạt động, xem xét thu hồi giấy phép đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng,…

3a-1-.jpg

Lợi dụng cải tạo đất để khai thác đá trái phép tại xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT Quảng Bình, cho biết: “Việc để xảy ra những vi phạm, trước hết là trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương do đã buông lỏng quản lý, thiếu sự giám sát. Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương cơ sở để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn”.

Cụ thể, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khoáng sản nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản. Giám sát chặt chẽ công tác hoàn thổ sau khai thác.

Để tránh tình trạng thiếu đất san lấp làm chậm tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, Sở TN&MT đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, hoàn thành việc lập Bản đồ phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên trên địa bàn; Quy hoạch khoáng sản đất làm vật liệu san lấp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đã chủ động khoanh định lấy ý kiến đưa vào quy hoạch tỉnh 73 điểm mỏ đất san lấp với tổng diện tích sử dụng đất là 842,26ha; tổng trữ lượng, tài nguyên dự báo khoảng 50,48 triệu m3.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), rà soát đơn giản hóa hồ sơ, trình tự thực hiện và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; thực hiện tốt việc công khai hóa quy trình TTHC tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ; tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức tạo chuyển biến về lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Hệ thống ISO:9001-2015, đặc biệt là chuyển dần qua việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tiến dần tới Chính phủ điện tử.

Cũng theo ông Phan Xuân Tuấn, ngoài việc xử phạt, sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn. Đặc biệt, nếu phát hiện trường hợp vi phạm nghiêm trọng, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét đóng cửa mỏ, thu hồi giấy phép hoạt động.

Hồng Thiệu