Công trình gần trăm tỷ ở Yên Châu (Sơn La): Vừa hoàn thành đã sụt lún, vá nham nhở, gây ngập úng

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 10:10, 03/03/2022

(TN&MT) - Dự án “Kè chống sạt lở suối Vạt” đoạn qua xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La với chiều dài hơn 1km, tổng mức vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng. Trong đó, riêng phần xây lắp trị giá khoảng 81 tỷ đồng. Dự án này về cơ bản đã xây dựng xong, nhưng vừa mới sử dụng được vài tháng đã xuất hiện nhiều sai sót, sụt lún, phải chắp vá. Có hay không việc nhà thầu thi công sử dụng bê tông không đảm bảo chất lượng?. Chỉ là 2 bờ kè mà sao giá thành của công trình lại “đắt đỏ” đến vậy?

Nứt, lở và ngập úng

Trao đổi với phóng viên, ông Vì Văn Trường, trú tại bản Huổi Qua, xã Viêng Lán cho biết: “Công trình thủy lợi kè suối Vạt mới làm xong nhưng đã thấy nhiều chỗ sạt lở và nhà thầu lại bới lên làm lại. Không hiểu chất lượng công trình này có bền hay không nữa”. Cũng theo ông Trường, gia đình ông có một mảnh ruộng ngay bên bờ công trình, mới đây mưa to đã ngập băng khiến gia đình ông và hơn chục gia đình khác cùng trong bản Huổi Qua bức xúc, phải lên xã kêu cứu. Đến nay, người dân vẫn không rõ ai sẽ đền bù chỗ lúa non mới cấy, ông Trường cho biết.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã đi dọc tuyến bờ kè suối Vạt và nhận thấy những phản ánh của người dân địa phương là có cơ sở. Mặc dù số tiền đầu tư cho công tác xây lắp lên tới hơn 80 tỷ đồng nhưng điều lạ, bờ kè chỉ đổ bê tông từng đoạn, còn phần trên lại đắp đất, rồi ghép kè lên bề mặt là những tấm đan kích cỡ khoảng 40x40. Bề mặt bê tông đa số đều rỗ và trơ, có biểu hiện của việc ít xi măng, cát nhiều. Cỉ l? một số đoạn do thi công “cẩu thả” nên đã sụt lún, lở xuống. Để trám vào những chỗ đó, nhà thầu dùng vữa trát lại qua loa. Nhiều đoạn “lộ quá”, nhà thầu đành phải gỡ ra làm lại trông rất phản cảm, mất mỹ quan.

sla-anh-2-nguoi-dan-chi-canh-dong-bi-ngap-trong-dot-mua-vua-qua-1-.jpg

Người dân phản ánh khu vực ruộng bị ngập trong đợt mưa vừa qua.

Và cũng để “giữ nước” lại suối, ở đầu ra của dòng suối, đơn vị tư vấn thiết kế đã cho đắp con đê tự tràn. Con đê này đắp cao với mục đích lúc nào trong lòng suối cũng có nước nên khi mưa lớn, lòng suối bị đắp vốn đã hẹp, nước không thoát được dẫn đến ngập úng ngược vào ruộng của dân.

Trao đổi với phóng viên về việc công trình mới đưa vào hoạt động đã gây ngập úng ruộng lúa của dân, Ông Hà Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Viêng Lán cho biết: Sự việc này xã cũng đã nắm được và có báo cáo lên UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo. Xã đã đi thống kê và xác minh có hơn chục hộ bị ngập úng. “Tuy nhiên hướng giải quyết như thế nào thì xã vẫn chờ, vì thẩm quyền này là huyện giải quyết” - ông Đức cho biết.

“Tuổi thọ” công trình có đảm bảo?

Qua điều tra, phóng viên được biết: Ngày 30/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ra Quyết định số 581/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án Kè chống sạt lở suối Vạt bảo vệ thị trấn Yên Châu (giai đoạn 1), người ký quyết định này là ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương. Trong đó, chi cho xây dựng khoảng 88,7 tỷ đồng; Đền bù GPMB khoảng 11,9 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án 1,3 tỷ; Chi phí tư vấn khoảng 6,4 tỷ. Ngoài ra còn 2 khoản: Chi phí khác hơn 2 tỷ, chi phí dự phòng là 9,4 tỷ…

Dự án do UBND huyện Yên Châu làm chủ đầu tư, đơn vị thực hiện là BQL dự án đầu tư xây dựng Yên Châu. Mục tiêu của dự án nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc ổn định sản xuất, an toàn trong những đợt mưa lũ kéo dài, giao lưu trao đổi hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hình thành mạng lưới thoát lũ trong khu vực.

Dự án có tổng chiều dài là 2.390m, kè xây dựng theo hình thức tường trọng lực kết cấu bê tông cốt thép (Mác 200#), đỉnh kè thiết kế mái nghiêng đảm bảo chiều cao đạt cao trình quy hoạch và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác... với thời gian sử dụng công trình từ 20 - 50 năm. Đối chiếu với thực tế, có nhiều vấn đề mà các cơ quan chức năng cần phải sớm vào cuộc, xác minh làm rõ.

sla-anh-4-nhieu-doan-sat-lo-vi-thi-cong-kem-chat-luong.jpg

Nhiều đoạn sạt lở vì thi công kém chất lượng.

Trao đổi về tình trạng bê tông của dự án có biểu hiện rỗ, nham nhở và có dấu hiệu chất lượng kém, Kỹ sư Nguyễn Đăng Tâm, người có nhiều năm thi công các dự án thủy điện, thủy lợi, công trình ven biển… của Tổng Công ty Sông Đà cho biết: Đối với các công trình thủy lợi dù to hay nhỏ thì yếu tố bê tông luôn phải đảm bảo chất lượng là hàng đầu. Đối với các công trình vốn ngân sách Nhà nước, càng phải giám sát chặt chẽ. Để xác định bê tông của công trình dự án kè suối Vạt có bị “ăn cắp” xi măng hay không, cát có đúng tiêu chuẩn hay không, cần phải có giám định rõ ràng. Ngoài ra, trách nhiệm của đơn vị tư vấn ở đâu, nhật ký công trình ở đâu, mẫu bê tông mỗi khối đổ có lưu giữ hay không… chứ cứ nhìn những tường bê tông như hình ảnh cho thấy, bê tông có “vấn đề”, kỹ sư Tâm nhận định.

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ đến UBND huyện Yên Châu để tìm hiểu sự việc. Ông Lò Văn Cường, Chánh văn phòng UBND huyện cho biết: “Ở dự án này có 4 gói thầu đến từ Hà Nội và các đơn vị trên địa bàn tỉnh Sơn La. Những vấn đề phóng viên nêu không có gì to tát cả. Sự việc không có gì cả đâu”. Ông Cường lý giải, các khung giằng bê tông đắp đất vào, rồi ốp các tấm bê tông 40x40 bên ngoài, có thể đất và bê tông chưa khớp nên ban đầu mới lở như thế. Hiện tại huyện đã yêu cầu sửa lại, hiện đang cho trồng thêm cả cây xanh và đường điện trên bờ đường để tạo cảnh quan…

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, xem xét chất lượng công trình, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu công trình này không đảm bảo “tuổi thọ”?

Bài và ảnh: Đức Hải - Nhật Lam