Trục lợi từ dịch bệnh
Xã hội - Ngày đăng : 08:48, 03/03/2022
Những ngày qua, trước tình hình F0 trên cả nước tăng cao, kéo theo nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế như các bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2), các sản phẩm phòng chống virus... rất lớn đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung. Không khó để nhận thấy trên thị trường đã xuất hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá các sản phẩm này.
Trong “cơn sốt” đó, nổi lên là các loại kit test nhanh SARS-CoV-2. Theo thống kê, đến tháng 2/2022, cả nước hiện có 30 loại test nhanh kháng thể và 83 loại test nhanh kháng nguyên được Bộ Y tế cấp phép. Điều đáng nói, sản phẩm này lại chưa được “luật hóa” trong nhóm mặt hàng quản lý về giá. Do đó, các mức giá niêm yết trên cổng công khai giá trang thiết bị y tế mà Bộ Y tế mở ra lại do chính các nhà sản xuất, đơn vị phân phối kê khai.
Hiện, trên thị trường đang lưu hành nhiều loại kit test có mức giá khác nhau tùy thuộc nơi sản xuất như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc… Kit test xuất xứ Thổ Nhĩ Kỳ được bán với giá 85.000 đồng/bộ, kit test Humasis Covid-19 Ag Home Test do Hàn Quốc sản xuất có giá 110.000 đồng/bộ.
Thực tiễn, chúng ta đã chứng kiến đây không phải là lần đầu các “gian thương” đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá. Nhìn lại suốt hành trình chống dịch Covid-19 với những làn sóng bùng nổ lớn, vào nhiều thời điểm người tiêu dùng đã phải điêu đứng vì giá các trang thiết bị y tế phòng dịch bị đẩy lên cao. Có thời điểm nước sát khuẩn, khẩu trang y tế... đã bị các gian thương thổi giá lên gấp tới 2 - 3 lần. Dẫu biết, kinh tế thị trường buôn bán phải có lãi và ai cũng có quyền được kiếm tiền một cách chính đáng. Nhưng nếu xét về mặt hàng và trong thời điểm đại dịch thì hành động này là vô cùng nguy hiểm đối với xã hội.
Mua bán những thiết bị y tế, hay các loại vật dụng phòng, chống dịch bệnh không chỉ đơn thuần là kinh tế hàng hóa mà đó còn là câu chuyện thuộc về đạo đức của con người. Đơn cử, nếu chúng ta có trong tay một lượng kit test lớn và nhu cầu trong xã hội sẵn sàng trả gấp nhiều lần cho sản phẩm đó, liệu chúng ta có bán với giá cao hơn không? Chúng ta sẽ bán cao hơn gấp đôi, gấp ba rồi có thể gấp bốn vào lúc nào đó không chừng. Sân chơi của kinh tế thị trường tự do có chỗ cho những điều như vậy, nhưng sẽ luôn cần “chừa lại” một khoảng cho đạo đức kinh doanh, đặc biệt là trong những thời điểm cần nhiều lòng trắc ẩn như đại dịch Covid-19.
Bình tâm suy ngẫm sẽ thấy, việc một người, nhóm người hay doanh nghiệp mưu cầu lợi ích cá nhân có thể gián tiếp gây lây lan dịch bệnh khi nhiều người không có điều kiện tiếp xúc với các trang thiết bị y tế cơ bản như: kit test nhanh, khẩu trang, cồn, thuốc sát trùng… nhất là người có hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta sống trong một thế giới phẳng và không thể nói mình có thể sống tách biệt hoàn toàn với tầng lớp người nghèo. Tất cả đều ở trên một con thuyền mà sự tham lam của số ít có thể khiến cả con thuyền chìm. Một lần tăng giá cắt cổ, người ta thấy nhiều điều trong xã hội được phơi bày.
Dịch bệnh chưa có hồi kết và chắc chắn thuốc men, trang thiết bị y tế tiếp tục là mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng không thể mặc cả mà phải bấm bụng trả tiền. Do đó, trong cơn sốt kit test hiện nay, khi số ca mắc mới Covid-19 lên tới hàng chục nghìn trường hợp mỗi ngày, rất cần bàn tay điều tiết từ Chính phủ và các cơ quan chức năng để ngăn chặn trục lợi.
Bởi trục lợi từ dịch bệnh là tội ác.