Lạng Sơn: Quy hoạch sử dụng đất thúc đẩy KT - XH phát triển
Đất đai - Ngày đăng : 08:47, 03/03/2022
PV: Xin ông đánh giá khái quát về hiệu quả trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (giai đoạn 2021 - 2030) của tỉnh Lạng Sơn?
Ông Chu Văn Thạch:
Đến nay, 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành việc lập, phê duyệt xong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm đầu. Về tiến độ chỉ đạo triển khai thực hiện, Lạng Sơn được Bộ TN&MT đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu và hoàn thành sớm so với các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (QH, KH SDĐ) là một trong những công cụ quan trọng của các cấp chính quyền trong quản lý và khai thác sử dụng đất đai hợp lý, có hiệu quả, góp phần ổn định chính trị - xã hội, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc khôi phục và bảo vệ đất trồng lúa, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng kinh tế; từng bước khai thác các diện tích đất chưa sử dụng, đưa vào sử dụng hợp lý, đáp ứng được yêu cầu cân bằng hệ sinh thái và góp phần bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển.
Thông qua quy hoạch sử dụng đất sẽ tạo được quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng phát triển đô thị, bước đầu đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhu cầu đô thị hóa; dành được quỹ đất để đấu giá, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng thu cho ngân sách Nhà nước, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh Lạng Sơn.
PV: Quá trình triển khai lập, thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, Lạng Sơn đã gặp những khó khăn nào, thưa ông?
Ông Chu Văn Thạch:
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 40 Luật Đất đai (được sửa đổi tại khoản 1, Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến luật quy hoạch) thì quy hoạch tỉnh là một trong những căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Tuy nhiên, tại thời điểm triển khai lập quy hoạch cấp tỉnh, cũng đồng thời triển khai lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, nên việc xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất được cấp trên phân bổ gặp nhiều khó khăn.
Do đó sau khi quy hoạch tỉnh phê duyệt, UBND các huyện, thành phố phải rà soát, trình điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cho phù hợp với quy hoạch tỉnh gây mất thời gian, tốn kém kinh phí thực hiện.
Bên cạnh đó, hiện nay, Lạng Sơn đang triển khai đồng thời lập quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021-2025. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện của tỉnh gặp một số khó khăn do các văn bản quy định và hướng dẫn việc lập, điều chỉnh QH, KH SDĐ chưa đồng bộ… Những khó khăn, vướng mắc này cần có giải pháp khắc phục để tạo thuận lợi cho việc thực hiện QH, KH SDĐ.
PV: Vậy ông có đóng góp gì trong việc sửa đổi pháp luật đất đai và quản lý đất đai để công tác quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh thời gian tới được thuận lợi hơn?
Ông Chu Văn Thạch:
Để có căn cứ pháp lý triển khai thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước về đất đai nói chung, công tác quản lý Nhà nước về QH, KH SDĐ ở địa phương nói riêng theo quy định, Sở kiến nghị, về quan điểm và mục tiêu hoàn thiện, cần quy định quy hoạch sử dụng đất phải là quy hoạch cơ sở, tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.
Quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước với tầm nhìn dài hạn, ổn định nhưng đủ linh hoạt (không phải thay đổi nhiều trừ trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh), mang tính tổng thể, liên thông, là cơ sở cho quy hoạch ngành và dẫn dắt các quy hoạch ngành có sử dụng đất.
Về giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, Trung ương cần sớm sửa Luật Đất đai, trong đó quy định quy hoạch sử dụng đất là gốc, định hướng cho các quy hoạch khác có sử dụng đất, tuy nhiên không “cứng hóa quy hoạch sử dụng đất”.
Trung ương nắm các khu chức năng, các chỉ tiêu đất chủ yếu như: đất lúa, đất rừng, đất quốc phòng, an ninh... còn lại phân cấp cho địa phương, tạo sự linh hoạt trong quá trình khai thác, sử dụng đất phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; giao địa phương thực hiện theo Phương án phân bổ khoanh vùng đất đai và QH, KH SDĐ đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT sớm ban hành Thông tư quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh Phương án phân bổ khoanh vùng đất đai cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh về chính sách pháp luật liên quan đến quản lý sử dụng đất đai, QH, KH SDĐ, các quy hoạch ngành phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm các quy định của pháp luật.
Đổi mới phương pháp thực hiện và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ và theo chuyên đề nhằm cung cấp số liệu chính xác phục vụ công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch đất đai và phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao chất lượng công tác lập QH, KH SDĐ các cấp làm căn cứ để thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác QH, KH SDĐ và ý thức chấp hành QH, KH SDĐ; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện QH, KH SDĐ.
Những vướng mắc này được giải quyết, sẽ giúp cho việc thực hiện công tác QH, KH SDĐ được đẩy nhanh, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!