Phân loại rác tại nguồn - vì một nền kinh tế tuần hoàn bền vững: Rác thải sẽ phải phân thành 3 loại
Môi trường - Ngày đăng : 08:46, 03/03/2022
Tận dụng tối đa tài nguyên rác
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác.
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH… Bao bì này là cơ sở quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ CTRSH theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao CTRSH cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý
Để khuyến khích phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định theo hướng ai xả nhiều CTRSH hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay.
Cùng với đó, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với CTRSH khác.
Các quy định về phân loại tại nguồn và thu giá dịch vụ theo khối lượng hoặc thể tích chất thải phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Các địa phương có thể căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội để xây dựng lộ trình thực hiện cho phù hợp.
Theo lãnh đạo Bộ TN&MT, hiện nay ý thức của người dân còn hạn chế, do đó Bộ TN&MT đã đặt lộ trình từ nay đến 2025 là giai đoạn tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hành động của người dân để theo thời gian, Luật sẽ phát huy được tối đa những tác động tích cực đến môi trường, đời sống của người dân.
Trách nhiệm của các cơ quan tổ chức
Bộ trưởng Bộ TN&MT sẽ ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý CTRSH; hướng dẫn mô hình xử lý CTRSH tại đô thị và nông thôn; hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sẽ dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính. Hiện nay, bên cạnh việc ban hành Thông tư và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Bộ TN&MT cũng đang tiếp tục xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn và sẽ ban hành trong thời gian tới để các địa phương áp dụng.
UBND cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Thực hiện giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý CTRSH trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn.
Một điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 là không khuyến khích cơ sở xử lý CTRSH có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu trên địa bàn cấp xã; không khuyến khích sử dụng công nghệ chôn lấp CTRSH, trừ trường hợp đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bên cạnh đó, quy định Nhà nước ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động xây dựng cơ sở tái chế, xử lý CTRSH. Việc này sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH hiện nay, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư tham gia công tác thu gom, xử lý CTRSH với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.