Phân loại rác tại nguồn - vì một nền kinh tế tuần hoàn bền vững: Hà Nội sẽ triển khai theo lộ trình
Môi trường - Ngày đăng : 08:44, 03/03/2022
Từ những điểm sáng Hoàn Kiếm, Đông Anh…
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đưa tin, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, trong năm 2020 và 2021, các hoạt động tuyên truyền phân loại rác tại nguồn được tổ chức phối hợp với đổi rác lấy quà. Sự quan tâm của chính quyền địa phương, tinh thần tích cực phối kết hợp tổ chức sự kiện của các cơ quan, đơn vị và sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của người dân đã mang lại động lực cho bản thân người tham gia cũng như công nhân môi trường - những người làm công tác thu gom hàng ngày.
Để làm được điều này, công tác tuyên truyền đã được Hoàn Kiếm thực hiện tới 18 phường với 132 tổ dân phố, Bí thư Chi bộ, các trưởng ngành, đoàn thể, đặc biệt là cơ sở để tuyên truyền đến toàn thể các hộ dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh trên địa bàn quận và người thu gom rác tự do… nhờ vậy ý thức phân loại rác tại nguồn của người dân Hoàn Kiếm đã ngày một nâng lên.
Còn tại huyện Đông Anh, câu chuyện phân loại rác của Đông Anh đang là một điển hình. Với sự đồng hành của Chi cục Môi trường Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội), sự hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp và sự vào cuộc nghiêm túc của người dân, đến nay, sau 2 năm thực hiện, Đông Anh đã hình thành một mô hình phân loại điểm với việc 100% các hộ dân của 28/28 xã thực hiện phân loại rác, thực hiện chế ủ rác hữu cơ thành phân bón ruộng và tự kiểm toán rác khi giao nộp cho đơn vị thu gom. Tới đây, Đông Anh đề ra mục tiêu sẽ giảm 50% khối lượng rác sinh hoạt - một con số không hề đơn giản nhưng huyện vẫn tin mình sẽ làm được.
Mấu chốt của thành công ở đây không chỉ là chi phí hay lợi nhuận, điều quan trọng là nhận thức của người dân và địa phương về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong tương lai, để duy trì thành công mô hình phân loại rác, cần phải cân bằng hài hòa giữa trách nhiệm công dân và lợi ích người dân. Đó cũng là mục tiêu mà đề án hướng dẫn đặt ra trong việc ràng buộc trách nhiệm đi đôi với đảm bảo quyền lợi nhằm khuyến khích động viên và duy trì hiệu quả bền lâu trước khi việc phân loại rác trở thành một nếp sinh hoạt ăn sâu vào đời sống hàng ngày của người dân…
… đến những quyết sách cần sớm ra đời
Hoạt động phân loại không chỉ diễn ra ở sự kiện mà đã được duy trì thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị và đặc biệt là ở các hộ gia đình. Đây cũng là bằng chứng cho thấy tính đúng đắn của chương trình phân loại rác tại nguồn và cũng đặt ra yêu cầu với các địa phương, đặc biệt là cơ quan quản lý môi trường, nhất là quản lý chất thải rắn đô thị.
Hà Nội là đô thị lớn thứ hai trên cả nước (sau TP.HCM), quy mô dân số ước tính khoảng hơn 9 triệu người. Với lượng chất thải rắn sinh hoạt vào khoảng 7.000 tấn mỗi ngày, việc xử lý không chỉ là thách thức mà còn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay và trong tương lai.
Trong câu chuyện với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông (Chi cục Môi trường Hà Nội) cho biết, để có cái nhìn tổng thể về chương trình, đơn vị hiện đang được Sở TN&MT Hà Nội giao tiến hành khảo sát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng về công tác quản lý rác trên địa bàn Hà Nội. Các vấn đề như: cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật hạ tầng đến năng lực thu gom, xử lý và đặc biệt khả năng thực thi từ phía người dân… đều được tính đến. Việc khảo sát, đánh giá này sẽ cho phép Hà Nội có một cái nhìn tổng quan và chi tiết hơn, tiếp cận đồng thời cả thuận lợi và vướng mắc khó khăn để đảm bảo đề án được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, bám sát thực tế, mang tính khả thi, ứng dụng cao và đủ sức bền…. “Chúng ta ghi nhận và đánh giá cao các mô hình ở Đông Anh và Hoàn Kiếm. Nhưng chúng ta cũng không thể bê nguyên xi một mô hình từ ngoại thành vào áp dụng trong phố và ngược lại… Vì vậy, cần cẩn trọng để có những quy định cụ thể phù hợp trong từng khu vực” - bà Lê Thanh Thủy nói.
Theo số liệu thống kê, trong tổng số khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày trên toàn TP. Hà Nội, thành phần rác thải thực phẩm chiếm 51,9% (khoảng hơn 3.600 tấn), chất trơ (da, gỗ, cao su…) chiếm 38% (khoảng 2.700 tấn), lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm 7,1% (khoảng 500 tấn). Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu được thu gom, mang đi chôn lấp chiếm 98%, khoảng 2% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt, không phát điện.
Theo nhiều chuyên gia môi trường, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Hà Nội cần sớm có hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn được xây dựng dựa trên khảo sát thực tế kết hợp với thu nạp kinh nghiệm từ các mô hình phân loại rác thành công trong nước và nước ngoài - nơi có một số hình thái dân cư tương đồng với Việt Nam. Trong quá trình xây dựng văn bản, Hà Nội cũng cần tham khảo nhanh ý kiến từ đại diện nhân dân để đảm bảo tính phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện, phong cách sống để ra các văn bản hướng dẫn vừa mang tính đại chúng vừa đảm bảo cả yếu tố đặc thù, ứng dụng được trên các địa bàn và hình thái bố trí dân cư, phù hợp với đại đa số người dân. Có một lộ trình như vậy, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn theo đúng những quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 trên địa bàn Hà Nội mới sớm được thực hiện.