Thị trường BĐS phía Nam: Sôi động trở lại
Bất động sản - Ngày đăng : 08:44, 03/03/2022
Thu hút nhà đầu tư
Khi quỹ đất nội thành ở TP.HCM ngày càng khan hiếm, doanh nghiệp BĐS phải “săn” những khu đất mới, khu vực huyện Củ Chi là một trong những địa phương được chủ đầu tư, giới đầu cơ tìm về. Lâu nay, thị trường BĐS khu vực phía Tây TP.HCM nằm ngoài sự sôi động, thiếu các dự án nhà ở, đường sá hạ tầng không được đầu tư bài bản. Song với việc TP.HCM quy hoạch lại hướng phát triển từ phía Nam sang Tây đã kéo theo hàng loạt nhà đầu tư chạy đua về “săn” quỹ đất.
Vừa qua, tại Hội thảo khoa học định hướng, tiềm năng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn Củ Chi do UBND huyện Củ Chi phối hợp cùng Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức, Lãnh đạo UBND TP.HCM cho rằng, Củ Chi phải được đầu tư phát triển thành “đô thị xanh”, “đô thị sinh thái”. Để làm được điều này, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM cũng như quy hoạch sử dụng đất, huyện Củ Chi cần nhất quán vai trò và sự phát triển của vành đai xanh…
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), trước đây, TP.HCM muốn phát triển nhanh nên đã chọn trục phát triển hướng Đông và hướng Đông Nam ra biển. Song hiện nay, việc cần làm là tập trung phát triển hạ tầng như: nâng cấp Quốc lộ 22, xây dựng cao tốc TP.HCM về Mộc Bài - Tây Ninh, từ đó mới có cơ sở thu hút được nhà đầu tư đổ về đây mạnh. Mô hình TP. Thủ Đức (TP.HCM) và Khu đô thị Tây Bắc đã và đang được đề xuất gần như có điểm chung là trở thành khu đô thị độc lập, có quyền tự quyết…, điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển cao hơn.
Giá nhà đất tăng vọt
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, tại TP. Thủ Đức, cách đây khoảng 2 tháng, giá nhà đất mặt tiền các trục đường thuộc phường An Phú như: đường Trần Não, Vành Đai Tây, Nguyễn Hoàng, Lương Định Của... có giá giao dịch trung bình 180 triệu đồng/m2 thì nay giá đã tăng lên 250 triệu đồng/m2. Còn tại khu vực đường Đỗ Xuân Hợp, đường Liên Phường (TP. Thủ Đức) trước đây, nhà đất có giá giao dịch từ 120 - 150 triệu đồng/m2 thì nay giá cũng đã tăng lên 170 - 220 triệu đồng/m2.
So với thời điểm trước dịch, giá đất một số khu vực trong tỉnh Long An như: Bến Lức, Cần Giuộc… hiện đã tăng dao động từ 10% - 15%. Hiện tại, thị trường BĐS ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang có làn sóng tăng giá gây chú ý, trong đó, một nền đất ở huyện Long Điền có giá 1,4 tỷ đồng vào đầu năm 2022 thì nay đang giao dịch 2 tỷ đồng. Khu vực có giá đất tăng mạnh nhất phải kể đến là xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, đã tăng từ 30% đến 50% so với trước dịch. Đặc biệt, với những thửa đất có quy hoạch là đất ở trước đây 1 ha có giá 15 tỷ đồng thì nay đã lên 25 - 30 tỷ đồng.
“Nhà đầu tư BĐS chớ vội ra quyết định đầu tư ngay mà nên đợi thị trường hồi phục một chút, vì chưa biết thị trường sẽ diễn biến theo hướng nào, nếu tham gia sâu rất dễ gặp rủi ro. Nhà đầu tư nên chọn những khu vực mà BĐS có thể tạo ra dòng tiền ngay như những nơi gần khu công nghiệp, thành phố lớn vì những nơi đó, kinh tế sẽ phục hồi nhanh và tạo ra được dòng tiền mạnh hơn”.
Ông Trần Nguyên Đán, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM
Theo Giám đốc một công ty môi giới BĐS, có nhiều nguyên nhân khiến cho giá đất nhiều nơi tăng mạnh. Sau đợt dịch, nhiều người nhận thấy các kênh đầu tư khác khá bất ổn nên đổ tiền vào nhà đất. Do đó, BĐS nói chung trở thành kênh trú ẩn an toàn. Tiếp nữa, khoảng cách giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận được rút ngắn nhờ nhiều dự án hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện. Xu hướng mua ngôi nhà thứ hai của người dân cũng tăng mạnh sau dịch. Hai năm nay, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM khan hiếm và giá quá cao nên nhà đầu tư có xu hướng dạt về tỉnh mua đất đầu tư. Lợi nhuận của nhà đầu tư đi trước đã trở thành hấp lực với những nhà đầu tư mới.