Đắk Lắk tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trong cao điểm mùa khô
Kinh tế - Ngày đăng : 08:43, 03/03/2022
Hiện nay, Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2022. Đây là thời điểm nhu cầu mua xăng dầu trong nhân dân tăng cao để phục vụ bơm nước tưới cho hàng trăm nghìn ha các loại cây công nghiệp trên địa bàn.
Theo Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 21 doanh nghiệp đầu mối với 457 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, thậm chí có thời điểm nguồn cung xăng dầu khan hiếm khiến một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn hụt nguồn cung, đồng thời do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp… nên một số của hàng đã tạm thời ngừng bán.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk Mai Mạnh Toàn cho biết: Từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tăng cường giám sát, thường xuyên kiểm tra, ký cam kết, thông báo đường dây nóng về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu cơ bản chấp hành thực hiện tốt quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu, thậm chí có thời điểm mỗi lít xăng dầu bán ra doanh nghiệp phải chịu lỗ từ 700 đến trên 1000 đồng nhưng các doanh nghiệp, chủ cửa hàng vẫn chấp nhận nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân.
Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng phát hiện một số ít cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm nghỉ, dừng hoạt động. Các cửa hàng này tạm nghỉ do có cửa hàng hoạt động kinh doanh khi nhập, mua hàng của thương nhân phân phối không có uy tín trong quá trình thanh toán nên đơn vị cung cấp xăng dầu cắt hợp đồng, phải tạm ngừng bán để tìm nguồn cung mới; có cửa hàng khi kiểm tra hết xăng do chưa nhập kịp, nhưng còn dầu để bán; có cửa hàng kinh doanh không hiệu quả nên phải ngừng hoạt động chờ làm thủ tục ngừng kinh doanh để xin giải thể doanh nghiệp; và cũng có cửa hàng do nhân viên và chủ doanh nghiệp bán xăng dầu mắc Covid-19 nên phải tạm ngừng bán để bảo đảm công tác phòng, chống dịch… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay một số các cửa hàng này đã mở cửa bán trở lại.
Một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết: Những ngày cuối tháng 1 vừa qua, Sở đã nhận được một số thông tin phản ảnh của các đơn vị về tình hình thiếu hụt nguồn cung ứng xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng đầu trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân khan hiếm nguồn cung là do các đơn vị đầu mối thông báo giá xăng dầu nhập vào cao hơn giá bán ra thị trường, thời điểm đó mỗi lít xăng dầu bán ra doanh nghiệp lỗ từ 1.000-1.500 đồng nên đã có một số cửa hàng tạm thời đóng cửa. Các thương nhân phân phối xăng dầu không mua được xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, do vậy đã xảy ra khan hiếm xăng dầu cục bộ. Còn đến thời điểm này, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ổn định, đáp ứng nhu cầu mua xăng dầu phục vụ sinh hoạt và bơm nước tưới cho cây trồng của người dân trong tỉnh.
Để tiếp tục bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong thời kỳ cao điểm mùa khô Tây Nguyên hiện nay, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, Tổng đại lý, đại lý xăng dầu trong và ngoài tỉnh bảo đảm nguồn cung ứng cho các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ tránh để tình trạng thiếu nguồn cung. Sở cũng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu, thương nhân sản xuất xăng dầu và các thương nhân phân phối chủ động nguồn hàng, không để gián đoạn nguồn cung trên thị trường; ưu tiên bảo đảm nguồn cung cho tỉnh Đắk Lắk nhằm bảo đảm phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tưới tiêu cây trồng của người dân trong thời gian tới.
Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát hoạt động tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tránh việc thiếu hụt nguồn xăng dầu tại địa phương. Bên cạnh đó, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa hàng, kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định.