5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới đất liền

Trong nước - Ngày đăng : 21:45, 02/03/2022

Phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng biên giới gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống, sức khỏe của nhân dân.
Phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực biên giới đất liền - Ảnh 1.

Các cơ quan có liên quan rà soát, cơ cấu lại đất đai, hoàn thành việc giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tạo điều kiện ổn định và cải thiện đời sống cho nhân dân.

Đó là một trong các mục tiêu của Nghị quyết số 23/NQ-CP về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền vừa được Chính phủ ban hành ngày 2/3/2022.

Nghị quyết nêu rõ, khu vực biên giới là một địa bàn trọng yếu, đóng vai trò là “phên dậu” của quốc gia, với đường biên giới trên đất liền trải dài hơn 5.000 km bao gồm nhiều cửa khẩu thông với các nước láng giềng nên việc phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội trên khu vực này rất quan trọng và cần thiết nhằm phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, qua đó tạo điều kiện cho kinh tế của một vùng, một địa phương cũng như kinh tế của cả quốc gia phát triển, góp phần tăng cường, mở rộng và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa nước ta với các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào, Campuchia) và các nước khác trong khu vực.

Trong bối cảnh kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và chăm lo đầu tư xây dựng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới. Nhờ đó, kinh tế - xã hội khu vực biên giới đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Tuy nhiên, với trình độ và cơ hội phát triển chênh lệch, kinh tế - xã hội vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới và cả nước, kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo, công nghiệp và thương mại dịch vụ nhìn chung chưa phát triển, chưa có sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh yếu, thương mại tiểu ngạch vẫn là chủ yếu, hạ tầng thương mại hạn chế,... Do vậy, để khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế tại khu vực biên giới nhằm phát triển kinh tế biên giới, cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển để điều chỉnh và có những giải pháp phù hợp với thực tế.

Thu hút nguồn lực phát triển kinh tế khu vực biên giới

Nghị quyết đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: 1- Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới; 2- Huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút nguồn lực phát triển kinh tế khu vực biên giới; 3- Phát triển kết cấu hạ tầng khu vực biên giới; 4- Phát triển sản xuất khu vực biên giới; 5- Thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực biên giới.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, vốn viện trợ và vốn vay ưu đãi cho các dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực biên giới.

Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biên giới ưu tiên dành nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối từ vùng kinh tế phát triển tới vùng khó khăn; trong đó cần thực hiện việc rà soát và xác định rõ đối tượng, địa bàn cụ thể, những công trình thực sự cần thiết, cấp bách, có tính liên kết vùng tại khu vực biên giới để tạo động lực thúc đẩy phát triển, bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải, kéo dài và phù hợp chủ trương “kết hợp quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương liên quan xây dựng, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp theo vùng chuyên canh tập trung, có quy mô phù hợp, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng miền gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP); hướng dẫn thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng tăng diện tích trồng các cây có giá trị kinh tế cao gắn với việc hình thành các vùng chuyên canh, tập trung.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng, cập nhật bản đồ địa hình, bản đồ địa chính các khu vực biên giới; giám sát biến động nguồn nước và các hoạt động khác trên khu vực biên giới đất liền, vùng biển, hải đảo giữa Việt Nam với các nước chia sẻ, cung cấp dữ liệu cho các bộ, ngành và địa phương liên quan khai thác, ứng dụng, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực các tỉnh biên giới.

Các cơ quan có liên quan rà soát, cơ cấu lại đất đai, hoàn thành việc giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tạo điều kiện ổn định và cải thiện đời sống cho nhân dân. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và ô nhiễm môi trường vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, gắn với chính sách định canh, định cư vùng miền núi, biên giới.

Theo Chinhphu.vn