Thông qua Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030
Khoáng sản - Ngày đăng : 12:31, 02/03/2022
Đại diện đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch, ông Hoàng Văn Khoa - Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp – Vinacomin cho biết, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng tuân thủ theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Khoáng sản 2010 và Quyết định số 2183/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1191/QĐ-BTNMT ngày 15/6/2021 của Bộ TN&MT.
Quy hoạch đã phân tích đánh giá cơ sở pháp lý và tài liệu thực tế địa chất khoáng sản, nhu cầu sử dụng thông tin địa chất, khoáng sản của các ngành, lĩnh vực, địa phương làm cơ sở đề xuất Quy hoạch với 3 nhóm nhiệm vụ gồm 94 Đề án điều tra địa chất, thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Quy hoạch đã đề xuất 7 nhóm giải pháp tổ chức thực hiện Quy hoạch, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của Quy hoạch.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả Quy hoạch, đơn vị tư vấn đề xuất, do việc thực hiện Quy hoạch giao cho một số đơn vị cùng thực hiện, nên cần phân công đơn vị làm đầu mối để điều phối, quản lý tổng thể thực hiện Quy hoạch. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, điều chỉnh kịp thời; định kỳ 5 năm cần có tổng kết thực hiện, đề xuất các điều chỉnh, bổ sung hợp lý.
Đơn vị tư vấn cũng kiến nghị xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và đào tạo lực lượng cán bộ thực hiện đối với một số lĩnh vực điều tra địa chất như: điều tra địa chất đô thị, địa chất không gian ngầm, địa nhiệt, điều tra cấu trúc chôn lấp chất thải nguy hại, carbon; điều tra khoáng sản biển sắt – mangan kết hạch, băng cháy; tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận, sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến ở 1 số lĩnh vực điều tra địa chất.
TS. Nguyễn Thành Vạn - Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết, Dự thảo Quy hoạch có nội dung về cơ bản phù hợp với các quy định về nội dung của nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt. Tuy vậy, nội dung trong Thuyết minh Quy hoạch cần được rà soát, biên tập thêm để nâng cao độ tin cậy, sự thống nhất của các loại số liệu.
Đặc biệt, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” là văn bản quan trọng, có tính quyết định đối với Quy hoạch, vì vậy việc thẩm định tập trung thêm vào nội dung (dự thảo) của Quyết định này.
Ông Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đánh giá, báo cáo thuyết minh nhiệm vụ Quy hoạch đã được xây dựng có cấu trúc nội dung phù hợp với pháp luật về khoáng sản, quy hoạch. Kết cấu của báo cáo ngoài việc tuân thủ các quy định chung, nên sắp xếp theo nguyên tắc từ cơ sở lý luận đến cơ sở thực tiễn, xu hướng/dự báo xu hướng, từ đó, phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp.
Ông Khuất Hoàng Kiên - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên môi trường đã góp ý về mục tiêu của Quy hoạch. Theo đó, cần xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất – khoáng sản ngay từ đầu, nếu xây dựng vào năm 2030 sẽ không phù hợp với Quy hoạch và các chiến lược về chuyển đổi số của quốc gia và của Bộ TN&MT.
Tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng, ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp Vụ Địa chất và Vụ Kế hoạch - Tài chính của Tổng cục thống nhất tên gọi, mục tiêu, cũng như rà soát, xem xét lại các nhóm nhiệm vụ, các giải pháp của Quy hoạch.