Phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển KT-XH: Hiệu quả từ công tác quản lý

Đất đai - Ngày đăng : 09:25, 01/03/2022

(TN&MT) - Thời gian qua, chính sách, pháp luật quản lý đất đai có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, có tác động trực tiếp tới mọi đối tượng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quản lý Nhà nước về đất đai mang lại nhiều giá trị

Trong đó, Quy hoạch sử dụng đất có vai trò phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước và các địa phương. Quy hoạch sử dụng đất cùng với các quy hoạch của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất khác là cơ sở để Nhà nước kiểm soát việc sử dụng đất đảm bảo mục tiêu bảo tồn và phát triển. Quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền tảng, là việc khoanh định và phân bổ các loại đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và điều chỉnh sự khoanh định, phân bổ đó.

Theo đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011 - 2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015 và 2016 - 2020) quốc gia, Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; nguồn thu từ đất đai đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước; phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội… độ che phủ rừng được nâng từ 39,1% năm 2010 lên 42,01% năm 2020 góp phần bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

1.png

Chính sách tài chính đất đai là công cụ quản lý mối quan hệ về mặt kinh tế phát sinh giữa Nhà nước với người sử dụng đất gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và người bị thu hồi đất. Do vậy, chính sách tài chính đất đai ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các bên, còn là công cụ khuyến khích việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Đồng thời, đây cũng là công cụ kinh tế giúp tăng nguồn thu từ ngân sách Nhà nước, góp phần ổn định tài chính vĩ mô; Là công cụ kinh tế điều tiết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu và các bên có liên quan như người sử dụng đất, người bị thu hồi đất.

Theo quy định của Luật Đất đai, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thu tài chính từ đất đai bao gồm: tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các khoản thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; phí, lệ phí, tiền thu từ xử phạt vi phạm pháp luật về đất đai, tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất. Luật Đất đai đã quy định Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không do đầu tư của người sử dụng mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật đất đai đã từng bước nâng cao công tác quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả, tạo ra nguồn lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước thông qua tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho người dân, doanh nghiệp và khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại khối hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp Nhà nước; đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng công nghiệp, giao thông và các khu vực phụ cận; chỉnh trang đô thị và xây dựng các khu đô thị mới.

Thực hiện theo Luật Đất đai 2013, về giá đất, Chính phủ đã ban hành Khung giá đất (Nghị định số 104/2014/NĐ-CP); ngày 19/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2019/NĐ-CP quy định về Khung giá đất; 63 tỉnh, thành phố đã xây dựng, ban hành và công bố công khai Bảng giá đất theo quy định. Bảng giá đất của các địa phương quy định giá đất ở tại đô thị, giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị và đất nông nghiệp trên địa bàn. Một số địa phương đã xây dựng Bảng giá đất gắn với hồ sơ địa chính đến từng thửa đất.

Số liệu tổng hợp theo dõi của Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cho thấy nguồn thu về đất đai liên tục tăng qua các năm, cụ thể: năm 2013 là 63.681 tỷ đồng; 2014 - 69.580 tỷ đồng; 2015 - 102.045 tỷ đồng; 2016 - 145.801 tỷ đồng; 2017 - 185.957 tỷ đồng; 2018 - 217.699 tỷ đồng; 2019 - 232.689 tỷ đồng; 2020 -254.854 tỷ đồng. Đến 21/12/2021 đạt 172,25 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng thu ngân sách nội địa cao gấp 3,5 lần năm 2015.

Công tác xác định giá đất cụ thể đã được các tỉnh, thành phố thực hiện theo quy trình chặt chẽ (thông qua Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh thẩm định trước khi UBND quyết định giá đất). Việc xác định giá đất đa số được thực hiện qua hình thức thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất đã tạo sự khách quan trong công tác định giá đất.

Ứng dụng chuyển đổi số - Công cụ phục vụ quản lý tương lai

Theo nhiều chuyên gia, để có thể sử dụng các công cụ kinh tế, tài chính nhằm khai thác nguồn lực đất đai, việc định giá đất, xây dựng bản đồ giá đất phải gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu, quy hoạch sử dụng đất, được điều chỉnh theo hướng quản lý quy hoạch sử dụng đất tích hợp theo không gian, bao gồm cả tầng ngầm và tầng không.

Mặt khác, cần nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng quy hoạch sử dụng đất tích hợp, quản lý và sử dụng đất đô thị theo phương pháp tiếp cận cảnh quan trên cơ sở: thiết lập hệ thống đăng ký và số hóa đất đai; đo đạc, kiểm đếm, thống kê, kiểm kê, hạch toán và kiểm toán đất đô thị, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đô thị; xây dựng bản đồ tích hợp quy hoạch sử dụng đất với hệ thống quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh, quốc phòng; sử dụng các công cụ kinh tế, tài chính đất đai để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.

Trường Giang