Chấp hành pháp luật và chuẩn mực về an toàn, sức khỏe, môi trường: Petrovietnam luôn "lĩnh ấn" tiên phong

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 19:16, 28/02/2022

Hơn 60 năm qua, kể từ ngày ngành Dầu khí Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển, đến nay, dù lĩnh vực hoạt động rất rộng và quy mô lớn, song Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) chưa để xảy ra một sự cố môi trường nghiêm trọng nào.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực quản lý An toàn, Môi trường, Sức khỏe (ATSKMT), từng bước hoàn thiện các hướng dẫn kiểm soát an toàn, môi trường, ứng phó với các sự cố đặc thù riêng của ngành, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và đáp ứng các yêu cầu liên quan theo thông lệ quốc tế.

Hoạt động kinh doanh của Tập đoàn bao gồm: Thăm dò, khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó thăm dò dầu khí là giá trị cốt lõi. Đặc trưng là các ngành nghề đặc thù ẩn chứa nhiều rủi ro gây tác động tới môi trường bao gồm sự cố chất thải, sự cố tràn dầu, sự cố tràn đổ hóa chất, cháy nổ…

cum-gian-cong-nghe-trung-tam-so-2-gian-ep-via-ppd-40.000-va-gian-nen-khi-trung-tam-mo-bach-ho..jpg
Cụm Giàn công nghệ trung tâm số 2, Giàn ép vỉa PPD-40.000 và Giàn nén khí trung tâm mỏ Bạch Hổ

Theo đạo diện lãnh đạo Tập đoàn, công tác An toàn – Sức khỏe – Môi trường là một trong những trách nhiệm hàng đầu của tất cả các cấp quản lý và là bộ phận trong công tác quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, năm 2022 Petrovietnam sẽ áp dụng mọi biện pháp thích hợp để loại trừ hoặc giảm thiểu các rủi ro đối với sức khoẻ và tính mạng con người, tài sản và môi trường.

Cùng với đó, Tập đoàn cam kết bảo đảm các hoạt động, các sản phẩm và các dịch vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên đáp ứng các yêu cầu pháp luật và đạt các chuẩn mực về ATSKMT như: Cung cấp các nguồn lực, hệ thống, các quy trình cần thiết để thiết lập và duy trì mức rủi ro thấp nhất có thể về ATSKMT; Bảo đảm kế hoạch, năng lực ứng phó khẩn cấp được xây dựng và duy trì để ứng phó kịp thời, có hiệu quả trong các trường hợp khẩn cấp; Ưu tiên và khuyến khích sử dụng các công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam và các đơn vị thành viên; Tạo thuận lợi cho việc trao đổi giữa Tập đoàn và các đơn vị thành viên với cán bộ công nhân viên, nhà thầu, khách hàng, nhà cung cấp và những người có liên quan về vấn đề cải thiện công tác ATSKMT...

Được biết, Hệ thống quản lý ATSKMT của Tập đoàn đã được xây dựng và áp dụng từ năm 2000. Hệ thống này được xây dựng theo hướng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia đồng thời không ngừng cải tiến công nghệ cũng như cập nhật các công nghệ mới giúp giảm thiểu phát thải ra môi trường và hạn chế tối đa các rủi ro không mong muốn.

kho-cang-pv-gas-vung-tau-luon-xung-dang-la-cong-trinh-khi-quan-trong-bac-nhat-cua-pv-gas.jpg
Kho cảng PV GAS Vũng Tàu luôn xứng đáng là công trình khí quan trọng bậc nhất của PV GAS

Song song với việc không ngừng củng cố và phát triển Hệ thống quản lý ATSKMT, Petrovietnam thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo ATSKMT tại các đơn vị, áp dụng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu rủi ro ATSKMT tiềm tàng trong các dự án; nghiên cứu, triển khai các giải pháp công nghệ, giải pháp quản lý gắn liền với công tác an toàn và môi trường để loại trừ hoặc giảm thiểu các rủi ro gây tác hại đối với sức khỏe và tính mạng con người, gây thiệt hại tài sản hoặc môi trường trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Điển hình như, trong quá trình triển khai các dự án, Petrovietnam cùng các nhà thầu dầu khí luôn thực hiện các đợt khảo sát môi trường cơ sở và khảo sát môi trường sau khi khoan (đối với các dự án ngoài khơi), khảo sát môi trường định kỳ trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Các dự án đều được nghiên cứu và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết, kế hoạch bảo vệ môi trường, xây dựng kế hoạch/biện pháp ứng phó sự cố hóa chất, kế hoạch ứng phó sự cố dầu tràn, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp… cho dự án đầu tư theo đúng yêu cầu pháp luật, trong đó đề xuất các biện pháp, kế hoạch ngăn ngừa, giảm thiểu tác động môi trường.

Đáng nói nhất là các biện pháp giảm thiểu cam kết phải đạt được các mục đích như: Giảm thiểu lượng chất thải; Xử lý các loại chất thải phát sinh đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế trước khi xả thải vào môi trường; Giảm thiểu các tác động không liên quan đến chất thải như xáo trộn vật lý, tiếng ồn, độ rung... Công tác giám sát các nguồn thải được thực hiện theo hệ thống, lưu hồ sơ, báo cáo theo quy định. Công tác phân loại, lưu giữ tạm thời, vận chuyển và xử lý các chất thải rắn, chất thải nguy hại được bố trí đầy đủ nguồn lực, hướng dẫn cụ thể, đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây hại tới môi trường và cộng đồng, tuân thủ quy định của pháp luật.

dien-tap-thu-gom-dau-tran-o-cang-pvgas.jpg
Diễn tập thu gom dầu tràn ở cảng PV GAS

Tại các nhà máy của Tập đoàn, công tác an toàn môi trường cũng được quản lý nghiêm ngặt, khí thải trước khi thải ra môi trường đều được xử lý qua các hệ thống xử lý khí thải như: lọc bụi (lọc túi, lọc tĩnh điện ESD), khử SOx (hấp thụ lưu huỳnh FGD bằng nước biển hoặc đá vôi), khử NOx (khử xúc tác SCR)... tùy theo cấu hình của từng loại nhà máy. Ngoài việc lắp đặt các hệ thống xử lý khí thải theo công nghệ tiên tiến, các giải pháp tiết kiệm năng lượng đã góp phần đáng kể vào việc giảm chỉ số năng lượng tiêu thụ của các nhà máy/công trình dầu khí, đồng thời giảm thiểu lượng CO2 và khí ô nhiễm phát thải ra môi trường. Việc giám sát chặt chẽ hàm lượng chất ô nhiễm phát thải theo đúng tiêu chuẩn môi trường và quy định pháp luật đều được các đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt. Hiện tại, các nhà máy nhiệt điện, lọc hóa dầu, sản xuất đạm của Tập đoàn đều đã được lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động và truyền tải dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương giám sát theo quy định.

Năm 2022, một điểm nhấn trong định hướng chiến lược phát triển của PVN là chủ động và thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu, đảm bảo đồng bộ với các mục tiêu của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính. Vì vậy, trong thời gian tới, Petrovietnam sẽ tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật để “xanh hóa” các nhà máy, công trình dầu khí. Chủ động nghiên cứu cơ hội đầu tư các dự án năng lượng mới/năng lượng sạch như điện gió ngoài khơi, hydrogen, CCS/CCUS… thể hiện quyết tâm của Petrovietnam trong những hoạt động mang tính chiến lược góp phần hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Đồng thời Petrovietnam cũng đầu tư phát triển thị trường tiêu thụ khí hóa lỏng LNG (dự kiến được nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam từ năm 2022-2023). Dự kiến Petrovietnam sẽ cung cấp LNG làm nhiên liệu cho các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 tại Đồng Nai, nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 tại Bình Thuận.

Hiện nay lãnh đạo Petrovietnam cũng đang xúc tiến các cuộc làm việc với đại diện các đối tác phát triển muốn đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cập nhật quá trình tái thiết lại cơ cấu năng lượng nói chung và trong ngành Dầu khí nói riêng để có những giải pháp kiểm soát, ứng phó trong ngắn và dài hạn với dịch chuyển năng lượng.

Có thể thấy, Petrovietnam đang nỗ lực tuân thủ các chính sách pháp luật về an toàn môi trường và sức khỏe con người. Đây cũng là căn cứ để xây dựng và triển khai các hoạt động giảm thiểu phù hợp, trở thành cốt lõi của chủ trương phát triển doanh nghiệp xanh, bền vững.

PV