Thúc đẩy phụ nữ phát triển sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:14, 28/02/2022

Ngày 28/2, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã tổ chức đối thoại chính sách về “Hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu sau ảnh hưởng dịch Covid-19”.
anh-c-huong.jpg
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại buổi đối thoại

Đối thoại chính sách là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay do các cơ quan Liên Hợp Quốc ở Việt Nam tổ chức với chủ đề toàn cầu là "Bình đẳng hôm nay vì một ngày mai bền vững". Chủ đề này nhằm ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, những người đang đi đầu trong công tác thích ứng, giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm xây dựng một tương lai bền vững hơn.

Sự kiện có sự tham gia của các khách mời đến từ các Bộ, ngành: Tài nguyên Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách và Trung ương Hội LHPN Việt Nam; cùng với hơn 100 đại diện HLHPN các cấp, các tổ chức phụ nữ trên cả nước.

Phát biểu khai mạc chương trình, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết "Vẫn còn những định kiến giới đối với vai trò, năng lực và đóng góp của phụ nữ trong các hoạt động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong gia đình, cộng đồng, có mối quan hệ gần gũi với những người xung quanh, cũng có khả năng tạo ra nguồn lực để thích ứng và giảm nhẹ thiên tai. Chính vì vậy, phụ nữ cần được trao quyền để đáp ứng nhu cầu riêng của họ giúp bản thân, gia đình và cộng đồng đối phó với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra".

anh-4.jpg

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện 

"Để có hiệu quả nhất, các chính sách và chương trình về khí hậu, môi trường và rủi ro thiên tai phải đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của việc ra quyết định. Đảm bảo lồng ghép giới vào các chính sách và chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai, khí hậu và môi trường thông qua thực hiện phương pháp tiếp cận toàn chính phủ, có sự tham gia của các bộ quản lý ngành, bộ máy bình đẳng giới quốc gia, các nghị sĩ, lãnh đạo các thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức và đầu mối kỹ thuật chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu, môi trường và giảm nhẹ rủi ro thiên tai", bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, chia sẻ trong bài phát biểu của mình.

Đại diện UNWoman cũng chia sẻ 6 nhóm đề xuất chính của phía Việt Nam tại Phiên họp 66 của Ủy ban địa vị phụ nữ, bao gồm: Lồng ghép các khía cạnh giới vào các chính sách và chương trình giảm thiểu RRTT, khí hậu và môi trường; Thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ, trong đó, đảm bảo sự tham gia và lãnh đạo đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ ở tất cả các cấp quản lý về BĐKH, môi trường và giảm nhẹ RRTT.

Mở rộng tài chính có trách nhiệm giới, bao gồm tăng cường tài trợ công và tư cho các tổ chức doanh nghiệp của phụ nữ có các sáng kiến về BĐKH, môi trường, giảm nhẹ RRTT; Xây dựng khả năng thích ứng và chống chịu của phụ nữ, thông qua cung cấp tài chính, cơ sở hạ tầng bền vững, dịch vụ công, bảo trợ xã hội và việc làm tốt cho phụ nữ. Tăng cường số liệu thống kê giới và dữ liệu có phân tách theo giới nhằm cung cấp cho các chính sách và chương trình về BĐKH, môi trường, giảm nhẹ RRTT, môi trường; Thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế xanh và tái tạo có nhiệm giới, trong đó, an sinh xã hội là trung tâm.

anh-3(2).jpg
Hơn 100 đại biểu là đại diện Hội LHPN các địa phương, các tổ chức Phụ nữ, các Bộ, ngành tham dự trực tuyến

Tại buổi đối thoại, các đại biểu đến từ các địa phương cùng đặt ra nhiều câu hỏi cho các khách mời, xoay quanh các khó khăn thách thức mà phụ nữ gặp phải trong quá trình phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu như: tiếp cận kỹ thuật và công nghệ, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiếp cận vốn để đầu tư công nghệ máy móc cho các doanh nghiệp và hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, các chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm xanh cho phụ nữ, các chính sách và chương trình về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu ưu tiên cho phụ nữ…

Đại diện từ các Bộ, ngành đã cùng chia sẻ về chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ. Nhiều ý kiến cho rằng, để hỗ trợ phụ nữ đòi hỏi các giải pháp đồng bộ ,hoàn thiện quy định chính sách từ các Bộ, ban ngành. Hiện nay, hệ thống chính sách có rất nhiều, nhưng khó phân tách những vấn đề ưu tiên cho phụ nữ.

h-tran-van-thoi.png
Đại diện Hội LHPN Huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đặt câu hỏi cho các khách mời

Để xóa bỏ dần các rào cản, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận dễ dàng hơn với những ưu đãi, các nhà quản lý cần cụ thể hóa việc lồng ghép bình đẳng giới vào các chương trình, chiến lược, dự án theo hướng thiết thực, hiệu quả; thúc đẩy ngân sách cho các dự án, doanh nghiệp do nữ làm chủ; tăng cường các họa động chia sẻ kinh nghiệm và để phụ nữ tham gia các chương trình phát triển sinh kế ứng phó BĐKH…

Kết quả trao đổi thảo luận của Đối thoại sẽ góp phần thúc đẩy đề xuất các chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Khánh Ly