Đại học TN&MT Hà Nội ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sử dụng hợp lý tài nguyên

Tài nguyên - Ngày đăng : 19:12, 28/02/2022

Những năm qua, Trường Đại học TN&MT Hà Nội luôn quan tâm đổi mới cơ bản, toàn diện và xây dựng thương hiệu “Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ, hướng tới hội nhập mạng lưới các trường đại học khu vực và quốc tế, cung cấp cho người học một môi trường giáo dục đại học hiện đại, chuyên nghiệp, đủ năng lực cạnh tranh và thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động.
anh_7710-1-(1).jpg
PGS.TS. Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội

PV Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội về hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của trường trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

PV: Thưa bà, những năm gần đây, Trường đã triển khai những hoạt động gì để thúc đẩy giảng viên và người học nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nói chung và trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nói riêng?

PGS.TS. Lê Thị Trinh: Những năm qua, Nhà trường luôn xác định rõ ràng các định hướng nghiên cứu theo từng giai đoạn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, phải giải quyết được những vấn đề liên quan đến sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Nhà trường cũng chú trọng tạo cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích cán bộ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Cụ thể, Trường đã giảm các công việc và thời gian làm hành chính để giảng viên tập trung cho nghiên cứu khoa học; tăng kinh phí hỗ trợ cho việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành uy tín quốc tế.

Hơn nữa, Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học như: sử dụng cơ sở vật chất sẵn có của Trường để nghiên cứu; huy động nguồn nhân lực khoa học (giảng viên, người học) của Trường tham gia hỗ trợ nghiên cứu; liên hệ với các đơn vị khác để có thể sử dụng cở sở vật chất (phòng lab) phục vụ nghiên cứu.

Trường đã thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu; nghiên cứu tiềm năng để cùng nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm khoa học có chất lượng và có tính ứng dụng cao, như: các bài báo công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín quốc tế; nghiên cứu tạo ra sản phẩm là các mô hình nuôi ngao, tôm phục vụ phát triển kinh tế tại một số địa điểm nghiên cứu; nghiên cứu tạo ra sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ cảnh báo trượt lở tại một số địa bàn thuộc vùng núi phía Bắc.

02.jpg
maidan_anh2bai1-chuyen-de-dhtnmthn-1-.jpg
Những năm qua, Trường Đại  học TN&MT Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng viên và sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học

Ngoài ra, Nhà trường đã tìm kiếm và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học quốc tế và cán bộ giáo viên Nhà trường hợp tác xây dựng và triển khai các dự án/chương trình và các hoạt động nghiên cứu.

Trường cũng thúc đẩy các hoạt động hợp tác nghiên cứu với các đối tác trong nước và quốc tế, cụ thể: Nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhằm giải quyết được các vấn đề ưu tiên phát triển tại các địa phương trong nước; hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ triển khai các hoạt động nghiên cứu hướng tới bảo vệ môi trường; cũng như đề xuất một số cơ chế chính sách với các cơ quan quản lý trong việc sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Đồng thời, Nhà trường đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số trong quản lý Nhà trường nói chung và các đề tài nghiên cứu khoa học nói riêng. Các kết quả nghiên cứu được chuyển giao nhanh, tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà trường tăng cường ứng dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các kết quả nghiên cứu.

PV: Nhà trường đã có những nghiên cứu gì liên quan đến việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, xin bà chia sẻ?

PGS.TS. Lê Thị Trinh: Nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ được Nhà trường triển khai trong những năm vừa qua. Các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên và môi trường được bao trùm lên toàn bộ các nghiên cứu do Trường chủ trì thực hiện, có thể kể đến như: môi trường, tài nguyên nước, đất đai, địa chất khoáng sản, biến đổi khí hậu, viễn thám và GIS, Trắc địa bản đồ...

Hầu hết kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học và công nghệ được sử dụng trong các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm hỗ trợ cho việc đề xuất, xây dựng các chính sách sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường một cách bền vững.

PV: Được biết, trong chặng đường 12 năm thành lập và phát triển (2010 - 2022), Trường Đại học TN&MT Hà Nội luôn đặt nghiên cứu khoa học song hành cùng công tác đào tạo. Xin bà cho biết, sự song hành này được thể hiện cụ thể như thế nào?

PGS.TS. Lê Thị Trinh: Đào tạo và nghiên cứu khoa học là 2 nhiệm vụ không thể tách rời, luôn có sự tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. Nghiên cứu khoa học là để phục vụ cho đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực khoa học và công nghệ và muốn chất lượng đào tạo được nâng cao thì phải nghiên cứu khoa học.

Trước tiên, phải khẳng định, 100% các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thông qua nhiều hoạt động khác nhau như: ứng dụng để xây dựng chương trình đào tạo; ứng dụng để giảng dạy; ứng dụng để định hướng nghiên cứu cho giảng viên và người học; ứng dụng để phục vụ công tác quản lý của Nhà trường.

Hiện nay, việc nghiên cứu ứng dụng theo đặt hàng từ các doanh nghiệp và thương mại hóa các sản phẩm khoa học của Nhà trường hầu như chưa có, tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, với sự phát triển công nghệ thông tin, hi vọng Nhà trường đủ năng lực để triển khai các hợp đồng nghiên cứu tạo ra sản phẩm thương mại, mang lại nguồn thu từ nghiên cứu khoa học cho Nhà trường.

PV: Thưa bà, để hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của trường trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngày càng phát triển, trong thời gian tới, Nhà trường sẽ đưa ra những định hướng như thế nào?

PGS.TS. Lê Thị Trinh: Nhà trường sẽ định hướng rõ các hướng nghiên cứu theo từng giai đoạn cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề ưu tiên của Nhà nước; đồng thời, tăng cường kết nối nghiên cứu khoa học với đời sống nhằm giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn đặt ra.

Trường cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong toàn Trường từ giảng viên đến người học, coi đó là nhiệm vụ then chốt trong việc khẳng định vị thế của Nhà trường trong mạng lưới các tổ chức khoa học uy tín trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, Trường thúc đẩy hoạt động của các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu tiềm năng, nhóm nghiên cứu mạnh của Nhà trường nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị và có thể tham gia các giải thưởng khoa học uy tín quốc tế và được công nhận trên diễn đàn khoa học quốc tế.

Ngoài ra, Trường luôn tăng cường hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế thông qua nhiều hình thức hợp tác khác nhau như: xây dựng và triển khai các dự án khoa học và công nghệ; hợp tác nghiên cứu và công bố chung các kết quả nghiên cứu trên các ấn phẩm khoa học có uy tín trong và ngoài nước; hợp tác tổ chức các sự kiện khoa học trong nước và quốc tế nhằm công bố các kết quả nghiên cứu; hợp tác thực hiện một số hoạt động nghiên cứu có sự tham gia tích cực từ người học...

Đặc biệt, Trường đang từng bước tiến tới đưa nghiên cứu khoa học trở thành dịch vụ khoa học; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu; xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và coi đổi mới và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học là khâu trọng điểm đưa nghiên cứu khoa học ngày càng phát triển.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Mai Đan (thực hiện)