Kết quả 01 năm ra quân xử lý ô nhiễm tiếng ồn tại TP.HCM
Môi trường - Ngày đăng : 19:11, 28/02/2022
3.537 trường hợp vi phạm về tiếng ồn
Gần 23h đêm ngày 13/2, hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh chung cư Phạm Viết Chánh (Phường 19, Q. Bình Thạnh) vẫn bị “tra tấn” bởi âm thanh hát karaoke từ một đám tang. Nhiều người dân tại khu chung cư này đã thay nhau gọi điện báo Công an Phường và Chủ tịch UBND Phường để nhờ ngăn chặn. Phải một lúc sau, nhờ sự can thiệp của lực lượng chức năng, những người tham gia hát karaoke mới dừng lại, người dân mới được “bình yên”.
Thời gian qua, tình trạng cố tình gây tiếng ồn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tại cộng đồng dân cư đã diễn ra tràn lan, phổ biến. Việc này đã trở thành vấn nạn trong đô thị, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự và công tác phòng chống dịch bệnh, ảnh hưởng môi trường đô thị, chất lượng sống của người dân.
Vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư đã được bàn tại nhiều cuộc họp HĐND TP.HCM với nhiều giải pháp xử lý đã được đưa ra. Ngày 19/3/2021, UBND TP.HCM đã ban hành Công văn 787 yêu cầu các Sở ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TP.HCM.
Theo báo cáo của Sở TN&MT, sau 01 năm thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, đến nay, 22/22 quận, huyện, TP. Thủ Đức đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động bước đầu được triển khai đồng bộ, sâu rộng và thường xuyên trên toàn địa bàn thành phố với các hình thức đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng.
Đến nay, 100% quận, huyện và TP. Thủ Đức đã tổ chức tiếp nhận kịp thời các phản ánh về tiếng ồn thông qua ứng dụng trực tuyến, các kênh thông tin trực tuyến, các đường dây nóng của quận, huyện, phường, xã, thị trấn. 100% Ban Công tác Mặt trận thực hiện tuyên truyền, phát thông báo về việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiếng ồn đến các khu phố, tổ dân phố, mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ… trên địa bàn được biết và chấp hành theo quy định.
Ngoài ra, trên toàn thành phố đã tổ chức hơn 8.000 buổi truyền thông, tọa đàm, tập huấn, hội nghị tuyên truyền; 1.989 quy ước liên quan đến việc thực hiện công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn được ban hành.
Đặc biệt, các quận, huyện, TP. Thủ Đức đã tiếp nhận (thông qua phần mềm trực tuyến, đường dây nóng, zalo, cổng tiếp nhận thông tin 1022 của Sở Văn hóa Thông tin chuyển về…) phản ánh của người dân về tiếng ồn là 4.645 trường hợp. Kiểm tra, xác minh, các lực lượng chức năng phát hiện 3.697 trường hợp vi phạm, trong đó nhắc nhở 3.537 trường hợp và xử phạt 102 trường hợp với tổng số tiền xử phạt là hơn 172 triệu đồng. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra liên ngành, Công an Thành phố đã kiểm tra, xử phạt hàng trăm vụ gây tiếng ồn với số tiền xử phạt hàng chục triệu đồng.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, để có thể kiểm soát hiệu quả tiếng ồn trong khu dân cư phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ nhiều lĩnh vực, sự chung sức của cả hệ thống chính trị, trong đó xác định trách nhiệm quan trọng của người đứng đầu tại mỗi địa phương. Ở địa phương cấp huyện, cấp xã nào để xảy ra vi phạm về tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự thì tiến hành xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức.
“Cần tiếp tục các giải pháp tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư và doanh nghiệp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tiếng ồn gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và quyết liệt các hành vi vi phạm về tiếng ồn trong điều kiện bình thường mới” - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhấn mạnh.
Được biết, Sở TN&MT TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ TN&MT sửa đổi Nghị định 155/2016 về nội dung xử phạt về tiếng ồn. Trong đó, cho phép cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra được sử dụng thiết bị đo tiếng ồn để phát hiện và làm cơ sở xử phạt; đồng thời, kiến nghị rà soát, sửa đổi quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn để đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020…
Ngoài ra, Bộ Công an đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định số 167/2013 theo hướng tăng mức tiền phạt lên gấp đối với các hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng nhằm đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm; đồng thời, không giới hạn thời gian, nhằm xử lý triệt để hành vi vi phạm (hiện nay quy định chỉ xử lý hành vi gây tiếng ồn từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau).