Ngư dân Khánh Hòa đón "lộc biển"
Kinh tế - Ngày đăng : 14:03, 28/02/2022
Giá cá ngừ đại dương đang cao nhất trong gần 1 thập kỷ vừa qua, khiến ngư dân Khánh Hòa phấn khởi và đồng loạt ra khơi.
Giá cá ngừ tăng vọt, ngư dân phấn khởi
Những ngày này, tại cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung bộ, ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang (Khánh Hoà) luôn nhộn nhịp tàu cá ra vào. Trên bến cảng, đủ loại hải sản đang được những người phân loại, chỗ này là cá cơm, chỗ kia là ghẹ, nơi khác là các loại mực... Những bịch, cần xé đựng cá, mực, tôm, cua, ghẹ lớn nhỏ liên tục được móc lên từ trong những hầm chứa trên các khoang tàu rồi nhanh chóng chuyển xuống sân bến cảng.
Sau gần 1 tháng đi biển, 2 tàu cá của ngư dân Dương Tuyên đánh bắt được khoảng 60 con cá ngừ, tương đương 3 tấn. Trừ phí tổn và chia cho các ngư dân, ông Tuyên thu về hơn trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ cho biết, giá cá lên đến 160.000 đồng/kg, đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm nay. Còn ông Mai Thành Phúc, ngư đội trưởng ngư đội Trường Sa - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng - hồ hởi: "Nhờ giá cá cao nên ngư dân phấn khởi lắm, có tàu về trúng cá chia cho bạn thuyền mỗi người 10-15 triệu đồng".
Hiện toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 3.400 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó hơn 700 tàu chuyên câu cá ngừ đại dương. Trong 2 chuyến biển đầu năm, trung bình mỗi tàu câu cá ngừ đại dương đạt sản lượng từ 1 tấn trở lên; tàu lưới cản đường dài khai thác cá ngừ sọc dưa cũng đạt sản lượng 10- 12 tấn.
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bền Vững (Khánh Hòa), chuyên kinh doanh cá ngừ đại dương cho hay, trước đó, dịch Covid-19 khiến ngư dân ít ra khơi khiến nguồn cá giảm sút, các công ty phải tăng giá thu mua để đủ hàng phục vụ xuất khẩu. "Cầu nhiều trong khi cung ít. Với giá như hiện nay, rõ ràng đang có sự cạnh tranh giữa các công ty để thu mua cá ngừ. Người hưởng lợi nhất là ngư dân" - bà Thanh nói.
Tại cảng cá Hòn Rớ, hàng chục tàu công suất lớn của ngư dân Khánh Hòa tấp nập vào bờ giao cá cho chủ hàng. Ngoài bến cảng, nhiều tàu đánh bắt “no” cá ngừ đại đương vào giao hàng nhưng cũng nhiều tàu công suất lớn đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Với ngư dân, không gì vui bằng ra khơi tàu no cá, về cảng tiêu thụ nhanh. Hàng trăm cây đá từ các nhà máy đá “chảy” xuống các tàu. Nước uống, lương thực, thực phẩm cũng được các chủ tàu đưa lên tàu một cách khẩn trương để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày tại các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
Một lòng vươn khơi bám biển
Thường ngày, hoạt động nghề biển vốn dĩ gặp nhiều khó khăn với sóng gió, bão bùng. Nhưng ngư dân Khánh Hòa vẫn hướng ra biển. Ở đó không chỉ là nguồn lợi kinh tế mà còn là vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy, “cơn bão Covid-19” vừa qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng ngư dân Khánh Hòa vẫn đều đặn ra biển xa, tìm nguồn cá sạch, duy trì, phát triển nghề truyền thống.
“Sau dịch chi phí cho chuyến biển mọi thứ đều tăng cao, bởi hiện giá dầu tăng chóng mặt so với trước. Đặc biệt, việc tìm bạn thuyền đi biển của chủ tàu cũng rất khó khăn. Như tàu tôi hành nghề lưới cản (lưới rê) cần đến 12 bạn thuyền, nhưng khổ nỗi tìm bạn thuyền trong tỉnh đi biển không đủ. Do đó, tôi đành phải thuê xe đưa bạn thuyền ngoài tỉnh ra vào để đi biển nên rất tốn kém. Không những thế, để đi biển được tôi còn phải chạy lo đầy đủ các thủ tục, giấy tờ, xét nghiệm Covid-19 đảm bảo an toàn trước khi lên tàu”, ngư dân Bảo, người có hơn 20 năm bám biển chia sẻ.
Cách tàu ngư dân Bảo không xa là tàu KH 91791 TS, hành nghề lưới cản của ngư dân Hồ Văn Quyền, ở phường Vĩnh Phước cũng đang tiếp nguyên liệu 6.000 lít dầu và 800 cây đá để chuẩn bị vươn khơi “săn” cá ngừ đại dương… Gặp tôi, ông Quyền cho biết, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh từng bước kiểm soát, tàu ông cũng như nhiều tàu khác được bám biển trở lại nên rất phấn khởi. Vì gần 4 tháng tàu nằm bờ nên ngư dân đều khó khăn. Vì vậy, ông hy vọng chuyến biển vươi khơi trở lại này các tàu đánh bắt đều thuận lợi, trở về cập cảng mang đầy ắp cá để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, cũng như phục vụ xuất khẩu.