Hà Tĩnh: Phát triển “rừng trong phố” thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:59, 28/02/2022

Triển khai mô hình “rừng trong phố” được xem là giải pháp giúp thành phố Hà Tĩnh đa dạng mảng xanh đô thị nhằm thích ứng trước những biến đổi khí hậu. Mặt khác, mô hình còn góp phần cải thiện môi trường cảnh quan, hướng mục tiêu không chỉ từng bước xây dựng thành phố thông minh, hiện đại mà còn thân thiện và đáng sống.

Đưa rừng xuống phố

Xác định vai trò, tầm quan trọng, giá trị của việc phát triển cây rừng điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái, bảo đảm QP-AN và phát triển KT-XH, thời gian qua, UBND thành phố Hà Tĩnh đã “dốc toàn lực” tạo mảng xanh cho trung tâm đô thị lớn nhất của tỉnh. Đây được xem là vấn đề hết sức bức thiết trước diễn biến khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.

Mặt khác, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng với nhiều dự án hạ tầng cơ sở cũng như nhà ở đang mọc lên. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, không gian đô thị ngày càng chật chội, đặt ra không ít thách thức khi thành phố Hà Tĩnh hướng mục tiêu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ.

anh-3.-rung(2).jpg
Thành phố Hà Tĩnh đang nỗ lực hiện thực hóa trồng hàng nghìn cây xanh giữa thành phố

Ông Nguyễn Trọng Hiếu – Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Việc phát triển cây xanh cho thành phố là bước khởi đầu tạo dựng những không gian xanh trong tương lai. Bên cạnh, đặt mục tiêu hướng đến việc xây dựng một đô thị đáp ứng nhu cầu chất lượng đời sống của nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển đô thị mới”.

Theo đó, thành phố Hà Tĩnh đặt ra trong 5 năm (2020- 2025), sẽ trồng thêm 100.000 cây xanh mới. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025 sẽ phủ kín cây xanh nhằm đa dạng mảng xanh đô thị, xây dựng thành phố không chỉ từng bước thông minh, hiện đại mà còn thân thiện và đáng sống.

Với phương châm “Rừng trong phố” tiến tới “Thành phố công viên”, thời gian qua thành phố Hà Tĩnh đã tập trung trồng các chủng loại cây để hình thành các không gian rừng cây, vườn cây theo từng chủ đề, chủ điểm, phù hợp với từng không gian, cảnh quan đô thị, phù hợp với bản sắc văn hóa của địa phương. Cách làm này đã tạo sức hút mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ mọi tầng lớp nhân dân.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng, nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ tiền, cây xanh, vật tư, nhân công trong nhiều đợt để thành phố Hà Tĩnh thực hiện kế hoạch. Được biết, đến nay thành phố Hà Tĩnh đã trồng được gần 20.000 cây xanh, sắp tới tiếp tục trồng mới tại nhiều công viên, khu vực như Núi Nài và tiểu công viên các phường, xã.

Bên cạnh đó từ nhiều năm nay, UBND thành phố Hà Tĩnh không ngừng phối hợp với các lực lượng triển khai trồng rừng phòng hộ, rừng ngập mặn gắn với các bãi bồi ven tuyến đê bao quanh thành phố nhằm bảo vệ đê, chống xâm nhập mặn, đa dạng loại hình sinh thái, gắn với tái tạo nguồn lợi thủy sản, sinh kế cho nhân dân. Theo đó, diện tích rừng phòng hộ, rừng ngập mặn trên địa bàn đến nay cơ bản được bảo vệ, không ngừng phát triển về diện tích.

“Chìa khóa” thích ứng với biến đổi khí hậu

Là một tỉnh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiều loại hình thiên tai hàng năm với các hiện tượng như bão, lũ, lũ quét, dông sét, lở đất, hạn hán xuất hiện với tần suất và cường độ ngày một lớn. Trước thực tế đó đã đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm phải tìm ra giải pháp ứng phó hiệu quả.

anh-1.-trong-cay-xanh(2).jpg
Phong trào trồng rừng có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia

Phát huy lợi thế về địa hình, thời gia qua các ngành chức năng ở Hà Tĩnh đã đi tìm lời giải, mở ra nhiều cơ hội cho người dân từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đó là đẩy mạnh trồng rừng không những đóng góp một cách tích cực để tạo ra giá trị vật chất, tinh thần và môi trường sống cho mỗi cá nhân mà còn cho cộng đồng dân cư.

Ông Hoàng Quốc Huấn- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2021, toàn tỉnh trồng được 8.530 ha rừng, từ đây, các vùng đất trống, đồi núi trọc cơ bản được phủ xanh, rừng tự nhiên được phục hồi, sinh trưởng tốt, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ. Tuy nhiên, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt cho thấy biểu hiện của BĐKH ngày càng rõ rệt, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ diện tích rừng”.

Để thích nghi trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng, ngoài việc trồng rừng phủ xanh đối núi thì việc trồng rừng ở đô thị đã được tính đến. Trên thực tế, mô hình trồng “Rừng trong phố” đang được thực hiện khá thành công ở thành phố Hà Tĩnh được xem là “chìa khóa” thích ứng với biến đổi khí hậu.

anh-2.-rung(2).jpg
Những dãy cây xanh mới được trồng lên ở hồ điều hòa xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh

Đặc biệt, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư không những huy động được tối đa sức mạnh từ quần chúng cùng chung sức xây dựng tương lai, góp phần nâng cao ý thức, sống có trách nhiệm hơn trước những mảng xanh được ví như “lá phổi” của trái đất. Nhờ đó, diện tích rừng trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua không ngừng tăng lên.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, nếu hoàn thành mục tiêu kế hoạch sau 5 năm triển khai, dự án triển khai mô hình “Rừng trong phố” sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho cuộc sống người dân thành phố Hà Tĩnh. Các mục tiêu của dự án đề ra sẽ giúp người dân được cảm nhận rõ hơn và tận hưởng không gian xanh của một đô thị, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hà Tĩnh hiện có trên 360 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bổ trên 13 huyện, thị xã, thành phố. Toàn bộ diện tích được giao cho 21 chủ rừng nhà nước quản lý 255.600 ha (chiếm 71%); 26.900 chủ rừng hộ gia đình, cộng đồng quản lý 71. 400 ha (chiếm 19,8%) và UBND xã quản lý 33.200 ha (chiếm 9,2 %). Độ che phủ của rừng trên 50 %.

Đức Cảnh