Các tỉnh Tây Nguyên chủ động nguồn nước tưới cho mùa khô

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 20:39, 27/02/2022

(TN&MT) - Tính đến thời điểm này, các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đang bước vào giữa mùa khô nguồn nước ở các ao hồ, sông suối đang sụt giảm. Trước tình hình trên, các tỉnh chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng phó phù hợp với tình hình thời tiết trong những tháng cuối mùa khô, nhất là nỗ lực đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng.

Tại tỉnh Đắk Lắk, trong những ngày gần đây thời tiết tương đối thuận lợi khi nhiều địa phương trồng cây nông nghiệp có xuất hiện những “cơn mưa vàng” vào giai đoạn giữa mùa khô. Tuy nhiên, mực nước ở một số nguồn nước cung cấp tưới như hồ thuỷ lợi, hồ thuỷ điện...nước đang rút dần. Để đảm bảo nguồn nước cung cấp tưới tiêu cho các vườn cây nông nghiệp thì ngày từ đầu mùa khô lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo cho các ngành chức năng và địa phương phải chủ động triển khai các biện pháp tốt nhất để chống hạn.

Điển hình, tại huyện Krông Búk có gần 30.000 ha cây trồng các loại (gồm 20.560 ha cà phê, 1.072 ha hồ tiêu, 1.916 ha cây ăn quả, còn lại là các cây trồng khác). Toàn huyện chỉ có 46 công trình hồ đập thủy lợi, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu tưới cho cây trồng mỗi năm, còn lại là phụ thuộc vào các khe, suối tự nhiên và ao, hồ, giếng do người dân tự đào. Thời điểm này là giữa mùa khô nên các hồ chứa nước vẫn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tưới đợt 1, đợt 2 cho diện tích cây trồng lân cận. Tuy nhiên, do nhu cầu tưới tăng cao, trong khi các mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt, nếu tình hình nắng nóng cứ kéo dài thì khả năng thiếu nước tưới đợt 3 là khó tránh khỏi. Nhất là ở khu vực những năm gần đây thường xuyên bị hạn hán cục bộ như: Cư Pơng, Ea Sin, Cư Né, Cư Kpô.

1-ok.jpg
Mực nước ở các lòng hồ thuỷ điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang sụt giảm khá lớn

Ông Nguyễn Đình Kính, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk cho biết, nhằm ứng phó với nguy cơ khô hạn kéo dài, ngay từ đầu mùa khô năm nay, Phòng NN-PTNT huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, hợp tác xã, tổ thủy nông trên địa bàn có các biện pháp điều tiết nước hợp lý tùy đặc điểm từng khu vực. Phòng cũng chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân chú ý khơi thông dòng chảy kênh mương thủy lợi; tủ rơm, lá khô tại gốc cây để tránh bốc hơi thất thoát nước; tưới nước tiết kiệm; chia lịch với nhau không tưới ồ ạt cùng một thời điểm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Tương tự, tại Đắk Nông vào đầu mùa khô xuất hiện 3 đợt mưa lớn đã phần nào giúp cho người dân đỡ áp lực về tưới tiêu. Tuy nhiên, lượng nước ở hầu hết các hồ thuỷ lợi cũng đang có dấu hiệu sụt giảm mực nước. Cũng như nhiều hồ dân khác, gia đình ông Nguyễn Văn Quang – Trú tại thôn Quang Trung, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) trồng hơn 3ha cà phê. Theo ông Quang, mọi năm vào thời điểm này gia đình đang tưới nước cho vườn. Tuy nhiên, năm nay thời tiết có phần thuận lợi xuất hiện mấy trận mưa vào dịp giáp tết Nhâm Dần nên ông và nhiều hộ dân khác chỉ lo cho các đợt tưới tiếp theo.

“Năm nay thời tiết thuận lợi nhưng chúng tôi chỉ lo cho đợt thứ 3 và thứ 4 vào khoảng tháng 4 tháng 5. Thường thì vào giai đoạn gần cuối mùa khô nước tưới đa phần thiếu vì các hồ chứa rút nước nhanh”. Ông Quang Lo lắng chia sẻ.

2-ok(1).jpg
Người dân ở các tỉnh Tây Nguyên ngày một chủ động hơn trước những diễn biến của thời tiết khô hạn

Theo dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, từ tháng 02 đến tháng 4/2022, mực nước và lưu lượng trên các sông, suối dao động theo xu thế giảm dần, xuất hiện tình trạng cạn kiệt và thiếu hụt nguồn nước, thời kỳ cạn kiệt nhất trong vụ có khả năng xảy ra vào giữa tháng 02 đến đầu tháng 4 năm 2022. Dự báo vào mùa khô, tình trạng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trên địa bàn tỉnh ở mức cao, đặc biệt trên khu vực các huyện: Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức.

Theo Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các Công ty Thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện điều tiết nước phục vụ tưới, đặc biệt là nước cho sản xuất và dân sinh vùng hạ du công trình thủy điện; phối hợp chặt chẽ với các địa phương về việc chấp hành Nông lịch trong điều tiết nguồn nước tưới và triển khai thực hiện các phương án phòng chống hạn khi có yêu cầu của địa phương.

Kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi đang bị xuống cấp, để đảm bảo an toàn cho công trình, đảm bảo nguồn nước tưới cho các loại cây trồng. Kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh; đối với các công trình hồ chứa đang triển khai thi công chỉ đạo chủ đầu tư có các giải pháp thi công phù hợp để đảm bảo khả năng tích nước tại các hồ chứa để phục vụ sản xuất.

3-ok(1).jpg
So với cùng kỳ năm ngoái mực nước ở các hồ thuỷ lợi vẫn còn lượng nước cao hơn 

Theo lãnh đạo sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, tình trạng hạn hán sẽ rải đều tại các địa phương trong tỉnh, tập trung vào một số khu vực ít nguồn nước sông suối tự nhiên, đồi núi cao. Cụ thể như khu vực xã Đạ Sar, Đa Nhim (huyện Lạc Dương), xã Phi Tô, Đạ Đờn, Phú Sơn (Lâm Hà); xã Ninh Gia, Đa Quyn, Đà Loan (Đức Trọng); xã Đồng Nai Thượng, Nam Ninh, Đức Phổ (Cát Tiên)…

Để ứng phó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân tăng cường nạo vét kênh mương, phát triển công trình thủy lợi vừa và nhỏ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với tình hình thời tiết; áp dụng công nghệ mới, công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm vào sản xuất; đầu tư cải tạo, nâng cấp và nạo vét hồ chứa bị hư hỏng, phát triển hệ thống ao hồ nhỏ trên địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng có kế hoạch bố trí kinh phí theo nhu cầu thực hiện về phòng chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2022 vào khoảng 155,9 tỷ đồng. Trong số đó bao gồm: kinh phí nạo vét cửa lấy nước đầu mối công trình thủy lợi, nâng cấp đường ống cấp nước sinh hoạt, nạo vét mương thủy lợi, mua thiết bị trữ nước hỗ trợ người dân, hỗ trợ tiền điện và dầu máy bơm.

Ghi nhận đến đầu tháng 2/2022, dung tích trữ trong các hồ thủy điện, thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn khoảng 80% so với thiết kế. Mực nước trong hồ phổ biến thấp hơn so với mực nước dâng bình thường từ 0,2 - 4m. Diện tích cây trồng nằm ngoài khu vực tưới của các công trình thủy lợi còn khá nhiều nên cảnh báo khả năng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô 2022 trên địa bàn tỉnh ở mức cao.

Phạm Hoài