Đổi thay trên quê hương Vợ chồng A Phủ

Xã hội - Ngày đăng : 21:57, 26/02/2022

(TN&MT) - Hồng Ngài – mảnh đất gắn liền với câu chuyện nổi tiếng về Vợ chồng A Phủ trong tác phẩm của cố nhà văn Tô Hoài. Vùng đất nghèo, khó khăn ngày nào giờ đây đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư khang trang, đời sống của người dân dần được cải thiện.
1.jpg

Học sinh trường PTDT bán trú Tiểu học Hồng Ngài dọn dẹp vệ sinh môi trường trước giờ tan học.

Chuyển đổi cây trồng trên đất dốc để xóa nghèo

Từ trung tâm huyện Bắc Yên, vượt qua những cung đường đèo uốn lượn gần 10km mới đến được với trung tâm xã Hồng Ngài. Trước đây, Hồng Ngài thuộc xã Phiêng Ban, đến năm 1979 mới được thành lập với tổng diện tích hơn 5.600ha, 832 hộ dân, trên 4.000 nhân khẩu; xã có 6 bản, 5 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm trở lại đây, được sự đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh, huyện, vùng quê nghèo khi xưa từng xuất hiện trong những áng văn của Vợ chồng A Phủ đã được xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, trụ sở UBND, nhà văn hóa. Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố, khang trang, những cửa hàng tạp hóa, dịch vụ mọc lên dọc các tuyến đường chính…

Ông Lầu A Tủa, Chủ tịch UBND xã Hồng Ngài cho biết: Hồng Ngài là xã vùng III còn nhiều khó khăn của huyện Bắc Yên với trên 82% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Để xóa đói giảm nghèo bền vững, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, đưa các loại giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập. Năm 2021, toàn xã đã gieo trồng trên 1.137 ha cây lương thực, đặc biệt đã chuyển đổi 215ha đất dốc sang trồng cây ăn quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25%.

2.jpg

Hàng rào “xương rồng” độc đáo của bà con người Mông Hồng Ngài.

Là bản có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, Trưởng bản Hồng Ngài Giàng A Chua chia sẻ: Bản Hồng Ngài có hơn 1.000 nhân khẩu, những năm gần đây, bản đã đưa nội dung “5 có, 5 không” trong vùng đồng bào dân tộc Mông vào quy ước, hương ước của bản, tập trung các nguồn lực giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống của bà con được cải thiện dần, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư; từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhất là trong vòng 2-3 năm trở lại đây, bà con đã chủ động học hỏi, chuyển đổi các diện tích trồng ngô sắn bạc màu trên đất dốc để trồng xoài, nhãn… với diện tích gần 10ha. Bà con đang háo hức mong chờ vụ thu hoạch quả đầu tiên.

Tạo ý thức bảo vệ môi trường cho người dân

Bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, sau hơn 8 năm triển khai, Hồng Ngài đã đạt 13/19 tiêu chí và 37/49 chỉ tiêu nông thôn mới. Xã có 2/2 trường học đạt chuẩn quốc gia; 6/6 bản có nhà văn hóa; 98,5% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 99% bao phủ bảo hiểm y tế; 100% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được duy trì ổn định.

3(1).jpeg

Đường lên hang Vợ chồng A Phủ.

Trong đó, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó, Hồng Ngài xác định: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm. Tại các cuộc họp bản đã thường xuyên lồng ghép tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người dân; tổ chức cho bà con ra quân vệ sinh các tuyến đường, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp; tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con cách làm lò đốt rác mini tại nhà hoặc các nhóm hộ. Hiện nay, mới chỉ có khu trung tâm xã như UBND, trường học, trạm y tế có xe thu gom từ huyện vào 1 tuần/lần. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom trên địa bàn xã đạt 45%.

Phương thức chăn nuôi của bà con cũng được thay đổi, từng bước xóa bỏ tập quán thả rông gia súc, gia cầm. Cán bộ xã thường xuyên xuống hướng dẫn người dân làm chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh; phun khử khuẩn chuồng trại, tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm. Bà con bảo nhau trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi, ủ chua thức ăn, dự trữ thức ăn trong mùa khan hiếm… Thế nên, Hồng Ngài đã có hơn 22.000 gia súc, gia cầm, mang lại giá trị kinh tế cao.

Công tác chăm sóc, bảo vệ rừng được quan tâm triển khai, trong năm qua, đã trồng được gần 55ha rừng; không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, giải quyết dứt điểm 9 vụ san lấp, đào nền nhà, 2 vụ canh tác trên đất lâm nghiệp.

Nhìn lại hiện tại so với cách đây khoảng 10 năm, anh Giàng A Tủa, người dân Hồng Ngài phấn khởi: Cuộc sống bà con giờ đây đã có nhiều đổi thay. Trước kia phải ăn sắn, ăn ngô, nay chúng tôi có lúa thơm, có gạo trắng. Có điện thắp sáng, có nước sạch để dùng, có đường bê tông thuận tiện đi lại, vận chuyển nông sản được dễ dàng hơn. Thế nên chúng tôi bảo nhau, phải giữ gìn đường xá, bản làng sạch đẹp…

4.jpeg

Cán bộ bản Hồng Ngài rà soát số hộ nghèo của bản.

Thế nhưng, để thoát nghèo bền vững vẫn luôn là niềm trăn trở với chính quyền và người dân nơi đây. Chủ tịch UBND xã Lầu A Tủa tâm sự: Năm nay, xã đang xin đầu tư thêm 5 tuyến đường cho bà con thuận tiện đi lại nhưng hiện chưa có vốn. Cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, gió lào, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một lực lượng lao động đi làm ăn xa mất việc làm, mất thu nhập. Câu chuyện việc làm cho bà con cũng là bài toán khó.

Chia tay Hồng Ngài khi mặt trời đã xuống núi. Thấp thoáng dưới mây mù Tây Bắc, giữa cái lạnh tê buốt của vùng cao, ánh đèn của bản làng nằm giữa lưng chừng núi vẫn sáng lấp lánh, như minh chứng cho sức sống của sự đổi thay nơi rẻo cao Tây Bắc. Vẫn biết rằng, còn nhiều khó khăn, song, với sự vào cuộc quyết tâm của các cấp chính quyền, sự chung sức đồng lòng, nỗ lực, cần cù, và quyết tâm vượt lên cái đói, cái nghèo của người dân, Hồng Ngài sẽ tiếp tục vươn lên.

Nằm cách trung tâm xã hơn 3km, trước đây hang A Phủ có tên là Thẳm Cốp. Hang sâu khoảng 200m với hệ thống nhũ đá đẹp, nhiều hình dạng lạ mắt. Năm 1961, bối cảnh hang A Phủ đã được đưa lên phim Vợ chồng A Phủ. Với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, chưa bị sự tác động của con người, cùng câu chuyện tình về Vợ chồng A Phủ, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách.

Để phát triển tiềm năng du lịch, huyện Bắc Yên đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu di tích hang A Phủ, với quy mô trên 30ha, gồm: khu di tích hang A Phủ; dịch vụ du lịch, đón tiếp hướng dẫn, cung cấp thông tin, giao lưu văn hóa - thương mại; lưu trú du lịch với các homestay của đồng bào bản địa; xây dựng các điểm cắm trại, trồng rừng; bến bãi, đầu mối giao thông, hạ tầng…

Nguyễn Nga