Quy trình thẩm định, phê duyệt dự án đo đạc bản đồ địa chính

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 15:51, 25/02/2022

Để đảm bảo hiệu quả của công tác án đo đạc bản đồ địa chính, Sở TN&MT có trách nhiệm thẩm định kỹ thuật các dự án này trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Cử tri tỉnh Lâm Đồng cho biết, Điều 21 của Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định: Khi thực hiện đo đạc bản đồ địa chính phải lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán (hoặc phương án thi công trích đo địa chính thửa đất) theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về quản lý dự án, công trình trong lĩnh vực quản lý đất đai và phải được cơ quan chủ đầu tư phê duyệt. Trong thực tế triển khai tại địa phương cho thấy, điều này gây khó khăn cho các chủ đầu tư khi triển khai các công trình đo đạc, bản đồ do UBND cấp tỉnh là cơ quan quyết định đầu tư và UBND các huyện hoặc các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư.

Đặc biệt, đối với những công trình đo đạc, bản đồ có quy mô nhỏ (có trường hợp chỉ vài trăm mét vuông) vì quy trình khá phức tạp, phát sinh thêm thủ tục hành chính vì phải trình Sở TN&MT thẩm định về kỹ thuật và trình Sở Tài chính thẩm định đơn giá và dự toán, sau đó, mới trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tốn kém thời gian, kinh phí, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Cử tri đề nghị điều chỉnh theo hướng giao cho các chủ đầu tư chịu trách nhiệm phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán đo đạc, bản đồ hoặc phương án thi công trích đo địa chính thửa đất đối với những công trình có quy mô nhỏ, hoặc giao cho địa phương ban hành văn bản quy định cụ thể nội dung này.

do-dac-ban-do-dia-chinh.jpg
Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết:

Tại Khoản 1 Điều 21 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 3 của Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT quy định khi thực hiện đo đạc bản đồ địa chính phải lập thiết kế kỹ thuật - dự toán theo quy định tại Thông tư này trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này. Thiết kế kỹ thuật - dự toán phải được Sở TN&MT thẩm định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư. Tại khoản 5 Điều 21 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT quy định trường hợp và trích đo địa chính thửa đất thì không phải lập thiết kế kỹ thuật - dự toán nhưng phải lập phương án thi công và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư.

Như vậy, đối với các dự án đo đạc bản đồ địa chính có quy mô lớn phải lập thiết kế kỹ thuật - dự toán theo quy định và phải được Sở TN&MT thẩm định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư; trường hợp đo đạc bản đồ địa chính có quy mô nhỏ (một hoặc vài thửa đất) thực hiện trích đo địa chính thửa đất và không phải lập thiết kế kỹ thuật - dự toán nhưng phải lập phương án thi công và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư.

Mới nhất, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BTNMT hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

Theo đó, Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 05/2021/TT-BTNMT quy định, Sở TN&MT là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý Nhà nước về đất đai (trong đó, có nội dung đo đạc bản đồ địa chính) và các lĩnh vực khác về tài nguyên và môi trường.

Các quy định như trên nhằm đảm bảo công tác đo đạc bản đồ địa chính được hiệu quả về kinh tế và chất lượng sản phẩm.

Phạm Oanh