Cảnh báo rủi ro xảy ra cháy rừng sẽ tăng 50% vào cuối thế kỷ
Thế giới - Ngày đăng : 15:51, 25/02/2022
Cháy rừng ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật hoang dã
Liên Hợp Quốc dự báo, sau khi đã cắt giảm một lượng lớn khí thải trong nhà kính, rủi ro xảy ra cháy rừng sẽ tăng 14% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050. Thậm chí đến cuối thế kỷ này, rủi ro sẽ tăng đến 50%.
Cháy rừng đã ảnh hưởng không tương xứng đến các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, với những tác động kéo dài sau khi cháy rừng được dập tắt, cản trở tiến trình phát triển bền vững và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội.
Khói từ cháy rừng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, chẳng hạn như gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tim mạch và chi phí xây dựng lại sau cháy rừng có thể vượt quá khả năng của các nước thu nhập thấp.
Ngoài ra, động vật hoang dã, cũng như môi trường sống tự nhiên cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cháy rừng. Thảm họa này đã đẩy một số loài động thực vật đến gần nguy cơ tuyệt chủng. Ước tính, các trận cháy rừng năm 2020 ở Australia đã quét sạch hàng tỷ động vật hoang dã và động vật đã được thuần hóa.
Mối quan hệ mật thiết giữa cháy rừng và biến đổi khí hậu
Theo báo cáo, cháy rừng và biến đổi khí hậu đang cùng nhau gây ra những tác động nghiêm trọng hơn. UNEP cho biết, cháy rừng ngày càng tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu, hạn hán gia tăng, nhiệt độ không khí cao, độ ẩm tương đối thấp, sét và gió mạnh dẫn đến mùa cháy nóng hơn, khô hơn và kéo dài hơn.
Ngược lại, biến đổi khí hậu cũng trở nên tồi tệ hơn do cháy rừng, chủ yếu là do tàn phá các hệ sinh thái nhạy cảm và giàu carbon như vùng đất than bùn và rừng nhiệt đới. Điều này biến các cảnh quan thành những “hộp mồi lửa” rất dễ bắt lửa, khiến việc ngăn chặn nhiệt độ tăng cao khó khăn hơn.
Báo cáo nhấn mạnh nhu cầu quan trọng để hiểu rõ hơn về hoạt động của các đám cháy rừng. Đồng thời, báo cáo kêu gọi sự kết hợp giữa dữ liệu và hệ thống giám sát dựa trên khoa học với kiến thức bản địa, cũng như thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế mạnh mẽ hơn.
Đẩy mạnh hỗ trợ và đầu tư
Báo cáo cho thấy, ngay cả Bắc Cực và các khu vực khác trước đây không bị ảnh hưởng bởi cháy rừng cũng đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng. Các tác giả của báo cáo kêu gọi sự thay đổi căn bản trong ứng phó của các chính phủ, tập trung vào phòng ngừa và chuẩn bị.
Theo các tác giả, hiện nay, các khoản đầu tư chưa được chi hợp lý. “Những nhân viên dịch vụ khẩn cấp và lính cứu hỏa ngoài tiền tuyến đang liều mình chiến đấu với cháy rừng cần được hỗ trợ. Chúng ta phải giảm thiểu nguy cơ cháy rừng cực độ bằng cách chuẩn bị tốt hơn như: tăng cường đầu tư vào việc giảm thiểu rủi ro hỏa hoạn, làm việc với các cộng đồng địa phương và thúc đẩy cam kết toàn cầu về chống biến đổi khí hậu”, bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành UNEP cho biết.
“Biện pháp sẵn sàng ứng phó với cháy rừng”
Báo cáo khuyến khích các chính phủ áp dụng “Biện pháp sẵn sàng ứng phó với cháy rừng”, trong đó, kêu gọi 2/3 khoản chi tiêu được dành cho việc lập kế hoạch, phòng ngừa, chuẩn bị và phục hồi và 1/3 dành cho ứng phó. Theo báo cáo, hiện tại, các hoạt động ứng phó trực tiếp với cháy rừng nhận được hơn 50% chi phí liên quan, nhưng chưa đến 1% được phân bổ cho việc lập kế hoạch và phòng ngừa.
Các tác giả tiếp tục kêu gọi các tiêu chuẩn quốc tế mạnh mẽ hơn về an toàn và sức khỏe của nhân viên cứu hỏa để giảm các mối đe dọa mà họ phải đối mặt trong công việc.
Điều này bao gồm việc nâng cao nhận thức về tác hại của khói từ cháy rừng, giảm thiểu khả năng mắc phải các bệnh nguy hiểm đến tính mạng và cung cấp đầy đủ nước, dinh dưỡng và nghỉ ngơi giữa các ca làm việc cho nhân viên cứu hỏa.
Báo cáo trên được công bố trước phiên họp của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc dự kiến diễn ra tại Nairobi, Kenya vào ngày 28/2. Đại diện của 193 quốc gia sẽ tham dự.