Bình Thuận: Tăng cường phối hợp xử lý khai thác khoáng sản trái phép
Khoáng sản - Ngày đăng : 08:59, 24/02/2022
Nhiều chuyển biến tích cực
Theo Sở TN&MT Bình Thuận, trong năm 2021, Bình Thuận đã xử phạt các vụ khai thác khoáng sản trái phép với số tiền 5,66 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là khai thác cát trái phép tại khu vực lòng hồ Biển Lạc xã Gia An, huyện Tánh Linh; khai thác đất cát bồi nền trái phép khu vực núi Đất giáp ranh giữa xã Sơn Mỹ và xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân; khai thác vật liệu trái phép thi công cao tốc Bắc - Nam...
Bà Phan Thị Xuân Thu - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận cho biết: Thời gian qua, tình hình khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh nói chung vẫn còn diễn ra nhỏ lẻ tại một số khu vực. UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, đến nay địa bàn tỉnh không còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép phức tạp, quy mô mà dư luận quan tâm.
Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành có liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt và giao nhiệm vụ cụ thể thực hiện nghiêm Nghị định số 23/2020/NĐ-CP.
Trong năm 2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã 3 lần tổ chức Hội nghị trực tuyến nghe báo cáo kết quả thực hiện tình hình kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép. Qua đó, đã ban hành 3 Thông báo chỉ đạo các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai thực hiện. Tỉnh Bình Thuận cũng đã phối hợp với tỉnh Đồng Nai ban hành Quy chế phối hợp nhằm ngăn chặn tình hình khai thác cát sông trái phép trên sông La Ngà (khu vực giáp ranh 2 tỉnh).
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp
Bà Phan Thị Xuân Thu - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận cho hay: Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tham mưu, đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để xử lý triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cũng như quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản. Trong đó, Sở TN&MT sẽ phối hợp Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường làm cơ sở cấp phép; đẩy nhanh tiến độ đấu giá, giải quyết hồ sơ cấp phép phục vụ nhu cầu.
Đồng thời, Sở TN&MT sẽ tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm là Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý có hiệu quả các điểm nóng, các hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái phép; kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm đối với các khu vực, đối tượng khai thác khoáng sản trái phép; đối với những trường hợp đủ điều kiện chuyển cơ quan Công an điều tra xử lý hình sự đúng theo quy định.
Bà Phan Thị Xuân Thu cho rằng, để góp phần ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã, huyện phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, phát huy vai trò cơ sở, nhất là cấp xã trong quản lý khoáng sản; kiểm tra, kiểm soát, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trái phép.
“Nếu trên địa bàn nào trong tỉnh Bình Thuận mà để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển, bố trí công tác khác”.
Bà Phan Thị Xuân Thu, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận
Trong đó, cần nắm cụ thể các khu vực, các điểm “nóng” phát sinh, nhất là các vị trí tập kết vật liệu xây dựng trái phép. Trên cơ sở đó, lập danh sách các đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn và xây dựng kế hoạch cụ thể từng khu vực, từng xã để tuyên truyền, vận động, đấu tranh với các đối tượng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép.