Hiện thực hóa mục tiêu phát triển thị trường các-bon: Phát huy nguồn lợi các-bon trong nước

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:55, 24/02/2022

(TN&MT) - Để vận hành thị trường các-bon trong nước, giai đoạn từ nay đến năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng   các quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng.

Trong giai đoạn hình thành thị trường trong nước, việc trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon vẫn đang được thực hiện ở quy mô nhỏ trong khuôn khổ các dự án theo Cơ chế phát triển sạch, Cơ chế tín chỉ chung, Cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon theo chương trình hợp tác và một số cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon tự nguyện khác. Nổi bật trong thời gian gần đây, ngành lâm nghiệp đã thành công ký kết một số thỏa thuận chi trả giảm phát thải từ rừng.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ các-bon, cho thấy tiềm năng rất lớn từ nguồn thu này, thậm chí mở ra một ngành kinh doanh mới. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có đơn vị chứng nhận tín chỉ các-bon đạt tiêu chuẩn quốc tế nên việc giao dịch, mua bán, chuyển nhượng tín chỉ các-bon rừng phải trải qua quy trình sàng lọc chặt chẽ, trong đó, việc xây dựng hồ sơ, phê chuẩn hồ sơ dự án được thực hiện bởi một tổ chức quốc tế. Các chủ rừng ở Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc xác định quyền sở hữu các-bon, hệ thống chuyển nhượng quyền các-bon, giấy chứng nhận giảm phát thải cũng như cơ chế quản lý tài chính và chia sẻ lợi ích từ nguồn thu giảm phát thải này.

anh-minh-hoa-chuyen-de.jpg

Đối với thị trường trong nước, Bộ TN&MT vừa ban hành 2 thủ tục hành chính mới, bao gồm: Xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước; Đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Như vậy, Bộ TN&MT là đơn vị xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính đủ tiêu chuẩn “hàng hóa” trên sàn này. Các cơ chế mua bán quốc tế hiện không quy định hồ sơ phải có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng theo Luật Bảo vệ môi trường, các hoạt động triển khai dự án trên lãnh thổ Việt Nam sẽ cần được đăng ký với Bộ TN&MT để Bộ tổng hợp thông tin về các giao dịch.

Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), đến thời điểm này, thị trường các-bon vẫn được xem là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính. Tham gia thị trường các-bon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít các-bon và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ CO2, chúng ta cần hoàn thiện nhiều quy định chi tiết để hình thành thị trường các-bon trong và ngoài nước.

Theo lộ trình, sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong nước sẽ vận hành thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức trong năm 2028. Điều này phù hợp với lộ trình giảm nhẹ phát thải chung và quy định về việc doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải từ năm 2026 trở đi. Trong giai đoạn thí điểm, các ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn như thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi măng sẽ được giao nhiệm vụ kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời nâng cao nhận thức hay bổ sung, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thị trường thương mại chính thức khi vận hành.

Trên cơ sở mục tiêu giảm phát thải quốc gia và tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính, Bộ TN&MT sẽ ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở cho giai đoạn 2026 - 2030 và hằng năm. Như vậy, sẽ xuất hiện “bên mua”, và các cá nhân, tổ chức có nhu cầu hoàn toàn có thể đăng ký xác nhận nguồn hàng tín chỉ ngay từ bây giờ.

Đến năm 2028, Nhà nước cũng sẽ ban hành đầy đủ quy định về các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới. Các quy định nhằm minh bạch hóa thị trường, tiệm cận và đáp ứng các yêu cầu quốc tế. Điều này rất cần thiết bởi trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều ngành hàng đang hướng tới thị trường các quốc gia phát triển, vốn xem trọng các yêu cầu bảo vệ môi trường và đi đầu trong mua bán tín chỉ phát thải. Nếu làm được điều này, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng được nguồn tín chỉ giá rẻ (hiện nay khoảng 5USD/tấn CO2) nội địa, tiết giảm chi phí và tạo thêm nguồn thu cho bên phát hành tín chỉ.

Từ nay đến khi thị trường chính thức vận hành còn gần 6 năm. Các doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực hoàn toàn có đủ thời gian tìm hiểu và có sự chuẩn bị tham gia thị trường. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất; tính toán mức tiêu hao năng lượng và phát thải khí nhà kính trong sản xuất, kinh doanh; tính toán mức giảm thải và tiết kiệm năng lượng nếu dự án được triển khai; xây dựng các mô hình dự án đầu tư giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng…

Khánh Ly