Hiện thực hóa mục tiêu phát triển thị trường các-bon: Nền tảng đã sẵn sàng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:55, 24/02/2022

Thị trường các-bon luôn được coi là công cụ quan trọng nhất để giảm phát thải khí nhà kính. Và hiện tại, Việt Nam đã chuẩn bị khá đầy đủ về cơ sở pháp lý, định hình rõ nét những nhiệm vụ chính cho việc hình thành và phát triển thị trường này.

“Điểm tựa” pháp lý đầy đủ

Việc xây dựng thị trường các-bon trong nước sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các bên cùng tham gia với Chính phủ trong quá trình thực hiện cam kết giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris và Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Để tạo nền móng cho việc hình thành các chính sách về thị trường các-bon, Việt Nam đã trở thành thành viên của “Chương trình sẵn sàng tham gia thị trường các bon Quốc tế” vào năm 2012 và chính thức triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” từ năm 2015. Đồng thời, Việt Nam đã triển khai một số dự án tham gia thị trường các-bon tự nguyện, trao đổi theo nhu cầu các bên, phổ biến là Tiêu chuẩn các-bon chứng nhận (VCS), Tiêu chuẩn vàng (GS)...

anh-2-chuyen-de-.jpg

Theo tính toán của giới chuyên gia, mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD từ xuất khẩu tín chỉ các-bon rừng,

Hiện, Việt Nam đã chính thức xây dựng thị trường các-bon trong nước bằng việc đưa nội dung này vào Luật Bảo vệ môi trường 2020. Từ đây, việc cắt giảm khí nhà kính không chỉ là khuyến khích như trước mà là bắt buộc bằng các quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp, đối tượng phát thải lớn phải tham gia lộ trình giảm phát thải, hình thành và thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước, hướng tới hòa nhập với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

Để thực thi nhiệm vụ này, mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn nhằm vạch ra lộ trình và thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ô-dôn, Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính; tham gia phát triển thị trường các-bon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Theo đó, các phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm: Các biện pháp chính sách, quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp cơ sở; công nghệ, quy trình sản xuất, dịch vụ ít phát thải khí nhà kính; các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, lộ trình phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam đang mở ra những cơ hội lớn khi cơ chế, chính sách về định giá các-bon và thị trường các-bon ở Việt Nam đã dần cụ thể hóa. Từ một quy định chung trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định đã quy định khá chi tiết về “Định giá các-bon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các- bon trong nước”.

Tín chỉ các-bon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ các-bon được xác nhận là 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 gọi chung là 1 tấn CO2 (viết tắt là CO2e).

Để thực thi hiệu quả quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Đề án này nhằm cụ thể hóa các nội dung, hoạt động cần triển khai để thiết lập và vận hành thị trường các-bon. Triển khai thực hiện tốt thị trường các-bon giúp các doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tín chỉ các-bon sẽ được giao dịch như một ngành hàng hóa

Đề án phát triển thị trường các-bon đã chỉ ra những nhóm nhiệm vụ chính cần triển khai để thiết lập và vận hành thị trường các-bon như: Xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường các-bon, bao gồm hệ thống quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; Hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế; thiết lập cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước; Xây dựng cơ chế xác định tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch và xác định định mức phát thải khí nhà kính; Hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan tiếp cận và sẵn sàng tham gia thị trường các-bon tại Việt Nam; Tạo lập sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon.

Trong đó, Bộ TN&MT là cơ quan có thẩm quyền xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch phải nộp đơn (theo mẫu) để Bộ TN&MT cấp giấy xác nhận.

Sau khi có giấy xác nhận, tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính trở thành “hàng hóa” chính của thị trường các-bon. Lúc này, các cơ sở sở hữu mặt hàng này có thể tiến hành trao đổi tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon, thị trường các-bon trong nước theo quy định. Đặc biệt, các cơ sở có thể đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải khí nhà kính.

Theo Nghị định số 06/2022: Căn cứ vào tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính, kết quả kiểm kê khí nhà kính trong kỳ kiểm kê gần nhất và tình hình thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở, các cơ quan chức năng xây dựng, ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở. Và, 1 đơn vị hạn ngạch phát thải khí nhà kính bằng 1 tấn CO2 tương đương.

Có một lưu ý, hạn ngạch phát thải khí nhà kính đã phân bổ sẽ tự động được Bộ TN&MT thu hồi khi các cơ sở dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản. Và, Nhà nước khuyến khích các cơ sở tự nguyện nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính chưa sử dụng hết góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia.

Vào cuối mỗi giai đoạn cam kết, các cơ sở phải nộp tiền thanh toán cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ sau khi áp dụng các hình thức đấu giá, chuyển giao, vay mượn, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ. Ngoài việc phải nộp tiền thanh toán, lượng phát thải khí nhà kính vượt quá lượng hạn ngạch được phân bổ sẽ được trừ vào hạn ngạch phân bổ cho giai đoạn cam kết sau đó.

Để vận hành linh hoạt, hiệu quả thị trường các-bon, trước mắt, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tổ chức vận hành thí điểm và vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ các-bon phục vụ quản lý và theo dõi, giám sát thị trường các-bon. Về lâu dài sẽ hoàn thiện quy định các hoạt động kết nối sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới; quy định thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; xây dựng tài liệu tuyên truyền, thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực cho các đối tượng tham gia thị trường các-bon.

Phạm Oanh