Góp ý sửa đổi Luật Đất đai 2013: Cần quan tâm đến quy hoạch theo khu chức năng

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 08:52, 24/02/2022

(TN&MT) - Trên cơ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến của các tỉnh về sửa đổi Luật Đất đai 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đề xuất, kiến nghị mang tính thực tế như: quy hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; quản lý sử dụng đất nông nghiệp… Trong đó, định hướng cần sửa đổi theo hướng quy định Luật Đất đai là luật cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ trong quản lý, sử dụng đất.

Về quy hoạch sử dụng đất, Thanh Hóa đề xuất cần quy định cơ sở của quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tổng thể quốc gia; đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, không thể chi tiết như quy hoạch tỷ lệ 1/500, 1/2000 của ngành xây dựng. Do đó, cần sửa đổi luật theo hướng quy định việc quy hoạch sử dụng đất theo khu chức năng, chi tiết thực hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch nông thôn mới.

Về quy hoạch giao đất, cho thuê đất, cần tiếp tục quy định về giao đất, cho thuê đất tính theo cả hai hình thức là đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất. Để đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và hiệu quả sử dụng đất. Tuy nhiên, việc quy định hình thức đấu giá quyền sử dụng đất chỉ thực hiện đối với quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất là tài sản của Nhà nước. Đấu thầu dự án có sử dụng đất chỉ thực hiện đối với trường hợp quỹ đất không đủ điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất và dự án phải thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đảm bảo quyền lợi của người đang sử dụng theo quy định tại Điều 54, Hiến pháp năm 2013.

anh-2-4-.jpg

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp: tại Khoản 2, Điều 129 Luật Đất đai năm 2013 quy định, hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn miền núi. Quy định như vậy là không phù hợp với bối cảnh hiện nay theo chủ trương xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, chuyên canh cây công nghiệp. Cần quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho tích tụ và tập trung ruộng đất.

Việc thực hiện bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề xuất sửa dổi quy định bồi thường khi Nhà nước thu hồi của các tổ chức thực hiện dự án đầu tư đang sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm. Nếu trên địa bàn còn quỹ đất đã GPMB thì UBND tỉnh quyết định việc tổ chức kinh tế thuê đất với thời hạn sử dụng đất còn lại để tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh mà không phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ như quy định hiện nay.

Về quyền tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: Đề nghị sửa đổi Luật theo hướng cho phép mở rộng quyền tiếp cận đất đai thông qua việc thuê, nhận chuyển nhượng của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân tại các khu vực không nhạy cảm về quốc phòng, an ninh; nhưng phải quy định chỉ được thực hiện trên cơ sở sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Cần quy định việc xử lý các vướng mắc, tồn tại trong quá trình quản lý sử dụng đất tại các địa phương. Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa hiện nay có nhiều trường hợp UBND xã bán đất trái thẩm quyền. Tuy nhiên, các giấy tờ nộp tiền chỉ thể hiện nội dung ủng hộ hoặc góp tiền cho ngân sách xã mà không ghi rõ là thu tiền sử dụng đất, đến nay vẫn không có hướng giải quyết, xử lý cho người dân.

anh-1-6-.jpg

Cần mở rộng hạn mức giao đất nông nghiệp để tích tụ ruộng đất, phát triển các cánh đồng mẫu lớn.

Ngoài ra, hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập giữa pháp luật đất đai và các pháp luật chuyên ngành khác. Do đó, khi sửa đổi Luật Đất đai cần sửa đổi theo hướng quy định Luật Đất đai là luật cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ trong quản lý, sử dụng đất, các pháp luật chuyên ngành có liên quan đến sử dụng đất phải tuân thủ theo pháp luật đất đai.

Gần đây nhất, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa để tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và các định hướng sửa đổi Luật Đất đai. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - ông Lê Đức Giang đã kiến nghị việc sửa đổi phải dựa trên cơ sở của sự tiến bộ, phát triển của thực tiễn.

Cần sửa đổi Luật theo hướng việc đấu giá, đấu thầu là để lựa chọn nhà đầu tư, việc giao đất, cho thuê đất là thủ tục tiếp theo để thực hiện quy trình, thủ tục hành chính. Do việc quy định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đầu tư; trong khi đó, lựa chọn nhà đầu tư lại theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đấu thầu. Từ đó, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng luật và gây vướng mắc trong việc xác định trách nhiệm của cơ quan liên quan khi để xảy ra sai phạm.

Thanh Hóa đề nghị đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho cấp trên sửa đổi Luật theo hướng quy định việc quy hoạch sử dụng đất theo khu chức năng, chi tiết thực hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch nông thôn mới. Đối với sản xuất đất nông nghiệp, cần giao đất có kỳ hạn lâu dài cho người dân. Không quy định về quy mô tích tụ đất đai cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Luật đất đai mới ra đời phải giải quyết được những tồn tại, khó khăn, bất cập của Luật Đất đai cũ.

Bài và ảnh: Thanh Tâm