Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm để tác động lan tỏa

Trong nước - Ngày đăng : 20:41, 23/02/2022

Ngày 23/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021.
Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm để tác động lan toả   - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cá thể hóa trách nhiệm từng thành viên Đoàn giám sát và Tổ giúp việc. Ảnh: VGP

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về tình hình triển khai, kết quả giám sát ban đầu, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, tính đến ngày 10/2/2022, Đoàn giám sát đã nhận được 21/21 báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, 63/63 báo cáo của UBND tỉnh, thành phố; báo cáo của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và 63/63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh; báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và 48/63 Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; 46/63 báo cáo của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xem xét bước đầu các báo cáo cho thấy, các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã được các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu. Việc ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện đã đầy đủ, kịp thời. Việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã có những chuyển biến tích cực. Lịch tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo UBND các cấp, nhất là cấp tỉnh được niêm yết và thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. 

Việc thụ lý, giải quyết các vụ việc về cơ bản đã thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Việc đôn đốc, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật được quan tâm hơn và có những chuyển biến tích cực. Trong quá trình giải quyết, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người đã có sự tham gia tích cực, hiệu quả và thực chất của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội. Nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, được dư luận quan tâm đã được xử lý, giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Đoàn giám sát tổ chức họp rà soát, đánh giá cụ thể từng nhiệm vụ, từng phần việc theo kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Theo đó, việc triển khai 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này có nhiều đổi mới so với trước đây. 

Trong quá trình triển khai, Đoàn giám sát phải bám sát các mốc thời gian, tiến độ, mục đích và yêu cầu đặt ra tại Kế hoạch chi tiết và Đề cương giám sát, rà soát, đánh giá lại từng phần việc, ai chịu trách nhiệm, sản phẩm đến nay là gì, phải cá thể hóa trách nhiệm đến từng thành viên Đoàn giám sát và từng thành viên Tổ giúp việc, chuẩn bị kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc chắn đến đó, bảo đảm hiệu quả giám sát.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đoàn giám sát, đặc biệt là Tổ giúp việc và Ban Dân nguyện – Cơ quan thường trực của Đoàn giám sát, xem xét kỹ lưỡng, tổng hợp, chắt lọc, rút ra được vấn đề, nguyên nhân và trách nhiệm như thế nào như đơn thư khiếu nại, tố cáo nổi lên tình trạng loạn đơn thư, đơn thư chuyển lòng vòng, kéo dài hoặc vượt cấp…

Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm để tác động lan toả   - Ảnh 2.

Thành viên Đoàn giám sát tham gia phiên họp. Ảnh: VGP

Nhấn mạnh yêu cầu đặt ra đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải vừa bảo đảm tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm để tác động lan tỏa trong cả hệ thống, tạo chuyển biến thực sự trong thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đoàn giám sát có văn bản đôn đốc các cơ quan, địa phương gửi báo cáo đến Đoàn giám sát, những cơ quan, đơn vị nào đã gửi báo cáo nhưng chưa bảo đảm chất lượng, yêu cầu thì cần đôn đốc, khẩn trương hoàn thiện gửi lại Đoàn giám sát, trong đó, đặc biệt lưu ý đối với Thanh tra Chính phủ - cơ quan chủ trì giúp Chính phủ trong lĩnh vực này - nhưng đến nay, báo cáo còn sơ sài, không đáp ứng yêu cầu.

Đồng thời, rà soát, thống kê các vụ việc tồn đọng, kéo dài, xác định các vụ việc trùng lặp, phân loại theo từng lĩnh vực cụ thể nhằm xử lý triệt để, hạn chế phát sinh các vụ việc mới… Quan tâm đến những vấn đề nổi lên thời gian gần đây có nguy cơ trở thành khiếu nại tố cáo phức tạp, như trong lĩnh vực đất đai có tình trạng bỏ cọc đấu thầu, cố tình không thực hiện hợp đồng mua bán đất đai, hợp đồng hứa mua hứa bán…

Theo Chinhphu.vn