Sơn La: Gỡ vướng cho các doanh nghiệp nông sản, chăn nuôi về TN&MT
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 21:37, 22/02/2022
Hội nghị đã ghi nhận 18 ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp chế biến cà phê, mía đường, tinh bột sắn, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh liên quan đến lĩnh vực đầu tư, tài nguyên và môi trường, xây dựng, công thương, nông lâm nghiệp, thuế, giao thông vận tải và quản lý vận hành Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp.
Sớm đồng bộ hệ thống khu, cụm công nghiệp
Theo chủ trương của tỉnh Sơn La, năm 2022 sẽ triển khai di dời Xưởng chế biến cà phê Cát Quế (xã Muổi nọi, huyện Thuận Châu) vào CCN Tông Cọ, huyện Thuận Châu để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường. Đại diện Công ty Cát Quế đã đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để tháo dỡ, di chuyển và xây dựng mới nhà xưởng. Sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết CCN Tông Cọ để Công ty có cơ sở đề xuất dự án, trình cấp có thâm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Về vấn đề này, theo UBND huyện Thuận Châu, huyện đã rà soát trình Sở Công thương, UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 2 CCN trên địa bàn huyện Thuận Châu. Sở Công thương đã tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về phương án phát triển CCN gửi Bộ Công thương xin ý kiến.
Trong thời gian đó, để đảm bảo tiến độ di chuyển, huyện Thuận Châu đang kiến nghị UBND tỉnh, Sở KH&ĐT xem xét chấp thuận quy mô, địa điểm, chủ trương đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến cà phê của Công ty tại CCN Tông Cọ với quy mô khoảng 10-15ha; hỗ trợ địa phương bố trí kinh phí thực hiện lập quy hoạch chi tiết CCN, đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là các hạng mục thiết yếu như giải phóng mặt bằng, hệ thống xử lý môi trường, nước thải, rác thải… UBND huyện cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm trong các khu dân cư, đô thị trên địa bàn di dời đến CCN theo quy định.
Công ty CP Chế biến nông sản BHL Sơn La hiện đang gặp khó do chưa giải phóng được hết mặt bằng theo đúng quy hoạch nên công tác tập kết nguyên vật liệu, vỏ lụa gặp khó khăn; cơ sở hạ tầng KCN Mai Sơn chưa hoàn thành, hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa đi vào hoạt động, hệ thống thoát nước mặt chưa hoàn thiện gây ngập úng cục bộ.
Trả lời kiến nghị của đơn vị, theo Ban quản lý các KCN tỉnh, phần diện tích còn lại khoảng 3,53ha do vướng mắc về công tác đền bù, hỗ trợ GPMB. Ban quản lý các KCN đang phối hợp với Tổ công tác chỉ đạo và phát triển các KCN, chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ GPMB với diện tích còn lại của dự án KCN Mai Sơn (giai đoạn I).
Cùng với đó, tích cực chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu thi công xây lắp tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng với các vị trí, đoạn tuyến đã có mặt bằng, bao gồm các hạng mục: Đường giao thông; hệ thống cấp nước và hệ thống xử lý nước thải tập trung; dự kiến hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị vận hành chạy thử vào quý II/2022 và hoàn thành toàn bộ các hạng mục dự án trong năm 2022.
Gỡ vướng các thủ tục về môi trường
Công ty CP Phúc Sinh Sơn La đề xuất mở tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực công ty; đề nghị hướng dẫn cụ thể trong quản lý chất thải nguy hại, đảm bảo thu gom, xử lý đúng quy định, phù hợp thực tế; tạo điều kiện để Công ty làm thủ tục điều chỉnh thời gian xả thải lên 12 tháng…
Theo Sở TN&MT Sơn La, Sơn La chưa có đơn vị đủ năng lực thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại. Theo Báo cáo ĐTM được phê duyệt của Dự án nhà máy chế biến cà phê của Công ty CP Phúc Sinh, lượng chất thải nguy hại phát sinh khoảng 180kg/năm. Trường hợp lượng chất thải nguy hại ít, Công ty chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi hoặc chưa tìm được cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý phù hợp thì phải báo cáo định kỳ hàng năm về việc lưu giữ chất thải nguy hại tại Nhà máy với Sở TN&MT bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo môi trường định kỳ.
Sở TN&MT cũng đề nghị Công ty rà soát lại toàn bộ các nội dung đề nghị thay đổi điều chỉnh so với Báo cáo ĐTM được phê duyệt, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, lập hồ sơ trình UBND tỉnh cấp giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Sở TN&MT sẽ hướng dẫn Công ty thực hiện các quy trình, thủ tục cấp giấy phép môi trường.
Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện các quy định theo Luật Bảo vệ môi trường 2020; triển khai thi công các tuyến đường vào khu vực dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư; tạo điều kiện để xuất khẩu nông sản bền vững trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu đã ghi nhận các ý kiến kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp. Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ để hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp, tránh tình trạng kiến nghị nhiều lần. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Công bố công khai đường dây nóng của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các sở, ngành để tiếp nhận kịp thời phản ánh.
Giao Sở KH-ĐT là đầu mối, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Sở TN&MT tiếp thu các ý kiến và tập trung giải quyết ngay, nhất là các vướng mắc về tiếp cận đất đai, quy hoạch, môi trường… Sở Công thương đẩy nhanh tiến độ quy hoạch khu, cụm công nghiệp; hướng dẫn các huyện, thành phố để có định hướng cho các doanh nghiệp vào các cụm công nghiệp. UBND các huyện, thành phố chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, qua đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp và góp phần đảm bảo quyền lợi cho người dân….
“Chính quyền địa phương luôn chung tay cùng các doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Song, cũng yêu cầu các cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đặc biệt về đất đai, môi trường, xả thải. Đồng thời, đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát, phản ánh những vướng mắc trong quá trình hoạt động qua các kênh thông tin tiếp nhận của tỉnh để kịp thời tháo gỡ" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu nhấn mạnh.