Trung Quốc phát hiện mỏ tài nguyên chứa hơn một triệu tấn oxit lithium

Thế giới - Ngày đăng : 20:10, 22/02/2022

SCMP, tờ nhật báo của Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 21/1 đưa tin, việc các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện mỏ lithium khổng lồ - được đặt tên là Qiongjiagang - ở khu vực xung quanh đỉnh núi cao nhất thế giới Everest có thể giúp bảo tồn nguồn tài nguyên quan trọng này.
9c3c75cf-2c8f-4236-b1bf-d6f9f0b64259_ca78b3ae(1).jpg
Mỏ oxit lithium mới được phát hiện ở dãy Himalaya, gần đỉnh Everest, được cho là có thể tiếp cận và tương đối dễ khai thác. Ảnh: Học viện Khoa học Trung Quốc

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu về lithium đang tăng vọt, đẩy giá lên mức cao kỷ lục và làm tăng tính cạnh tranh địa chính trị để giành nguồn tài nguyên chiến lược này. Đầu tháng này, giá kim loại lithium giao ngay tại thị trường Trung Quốc tăng cao đến hơn 2 triệu nhân dân tệ (tương đương 316.000 USD) một tấn - gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà khoa học của Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cho biết, mỏ Qiongjiagang có thể chứa hơn 1 triệu tấn oxit lithium. Tỷ lệ hàm lượng oxit lithium trong mỏ mới được phát hiện đủ cao để có giá trị công nghiệp. Theo tờ China Science Daily, mỏ này có thể là mỏ lithium lớn thứ 3 của Trung Quốc sau mỏ ở núi Bailong thuộc khu tự trị Tân Cương và mỏ Jiajika ở tỉnh Tứ Xuyên.

Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Qin Kezhang cho biết, mỏ Qiongjiagang có điều kiện tốt để khai thác. Ông chỉ ra độ nông của mỏ và chất lượng của quặng và cho rằng việc khai thác tương đối dễ dàng.

Ngoài ra, mỏ này có thể tiếp cận được do nằm ở một vị trí thuận lợi, xa trung tâm của khu bảo tồn thiên nhiên Chomolungma (tên tiếng Tây Tạng của Everest). Tuy vậy, ông Qin Kezhang nhận định, việc khai thác mỏ lithium phải mất thời gian dài mới có thể tiến hành vì vẫn đang trong giai đoạn tiền nghiên cứu.

Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, khi các nền kinh tế lớn chuyển hướng sang sử dụng xe điện, lithium - kim loại màu trắng bạc - ngày càng được cho là “dầu mới” hay “vàng trắng”, vì nó là một thành phần không thể thiếu trong pin xe điện.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính, nhu cầu toàn cầu về lithium sẽ tăng hơn 4.000% vào năm 2040 nếu thế giới đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Mai Đan